Vấn đề của 3 thương hiệu nói trên không tới từ một cá nhân, một thương hiệu đơn lẻ trong số những Audi, Porsche, Bentley hay Lamborghini (hiện thuộc sở hữu của Volkswagen) mà chính là cả 4 hợp lại.

"Tập đoàn Volkswagen có ưu thế lớn hơn hẳn các thương hiệu xe sang khác tại châu Âu khi xét về độ đa dạng và bao quát của các dòng sản phẩm hạng sang của họ. Ngoài ra họ cũng có khả năng chia sẻ các công nghệ cốt lõi cho nhau cho phép các thương hiệu con của mình có thể tự do khám phá những phân khúc mới mà không phải bận tâm quá nhiều về chi phí phát triển công nghệ - điều luôn làm các thương hiệu độc lập đau đầu", chuyên gia phân tích thị trường ô tô Ian Fletcher của IHS cho biết trên tờ Autonews.

Lấy ví dụ như Bentley, thương hiệu xe siêu sang đang đứng đầu toàn cầu hiện nay đã sử dụng công nghệ hybrid sạc điện của dòng động cơ V6 tới từ Porsche để ra mắt mẫu xe hybrid đầu tiên của mình: chiếc Bentayga SUV bản PHEV.

Vì sao các hãng xe sang dồn sức cho nửa trên phân khúc? - Ảnh 1.

Hay như chính Porsche khi ra mắt concept crossover tại Geneva dựa trên nền tảng là dòng sedan chạy điện Mission E phát triển chung với Audi. Khung gầm nói trên cũng sẽ sớm được Bentley "mượn lại" trong thời gian tới. Mission E sẽ chính thức ra mắt trong năm sau.

"Khi mà các dòng xe chạy điện ngày một trở nên phổ biến, chúng tôi cần nhanh hơn, sẵn sàng đối mặt với các thử thách nhờ các công nghệ tân tiến hơn bất cứ đối thủ nào", CEO mới của Bentley, ông Adrian Hallmark chia sẻ. "Chúng tôi có lợi thế được tiếp cận với nhiều công nghệ khác nhau mà chúng tôi có thể lựa chọn dùng hay không dùng bất cứ lúc nào".

Audi tận dụng Geneva để ra mắt chiếc A6 mới hiện đại và tân tiến hơn. Khung gầm MLB thế hệ mới mà xe sử dụng được họ tự phát triển nhưng sẽ sớm có mặt trên các dòng xe khác của Volkswagen (ở cả phân khúc phổ thông). Như chủ tịch của Audi, ông Rupert Stadler chia sẻ "chúng tôi không ngại ngần gì điều đó. Chúng tôi là một gia đình và tin tưởng lẫn nhau" khi được hỏi về việc chia sẻ công nghệ tại tập đoàn VW. 

Vì sao các hãng xe sang dồn sức cho nửa trên phân khúc? - Ảnh 2.

Audi A6 mới. Ảnh: Motor1.

Ưu điểm về số lượng cũng đã được CEO tập đoàn Volkswagen Matthias Mueller nhắc đến trước đó: "Chúng tôi tạo ra nguồn thu tốt hơn. Chúng tôi có ưu thế tốc độ để ra mắt sản phẩm trước các đối thủ, các khách hàng được sở hữu những công nghệ hiện đại nhất với giá thành phải chăng".

Tại Geneva, BMW, Daimler, Aston Martin và Jaguar Land Rover đều hướng tới 1 động thái chung để đối chọi lại Volkswagen: mở rộng phát triển sang nửa trên của phân khúc xe sang, nơi gần như chỉ có Bentley và phần nào đó là Porsche hiện hữu.

BMW ra mắt dòng Concept M8 Gran Coupe – phiên bản 4 cửa cơ bắp mà trang nhã của chiếc 8-Series Coupe sắp ra mắt tới đây để đẩy giá xe lên cạnh tranh với Porsche Panamera và Bentley Continental GT. "Chiến lược của chúng tôi là tập trung vào mảng xe sang ‘thực sự’ nơi tỉ lệ lợi nhuận/doanh thu lớn hơn", CEO Harald Krueger chia sẻ với các cổ đông BMW tại buổi họp thường niên năm 2017 của tập đoàn.

Mercedes cũng mở rộng dòng xe sang thể thao AMG của mình với việc ra mắt bản AMG GT Coupe 4 cửa – một đối thủ khác nhắm tới việc cạnh tranh cùng Panamera. Ngoài ra họ cũng bắt đầu đẩy mạnh dòng Maybach như một phiên bản Mercedes-siêu-sang sau khi cái tên này thất bại trong việc tách ra thành thương hiệu độc lập.

Vì sao các hãng xe sang dồn sức cho nửa trên phân khúc? - Ảnh 3.

Tại gian trưng bày của Land Rover, chiếc Range Rover SV Coupe 2 cửa giới hạn chính là tâm điểm và cũng là thuốc thử của thương hiệu Anh khi sở hữu mức giá ngang tầm người đồng hương Bentley (333.000 USD), tất nhiên là với trang thiết bị đi kèm tương đồng với những gì mà khách hàng phải bỏ ra.

Vì sao các hãng xe sang dồn sức cho nửa trên phân khúc? - Ảnh 4.

Động thái của Aston Martin có lẽ rõ ràng nhất. Thông điệp của họ gửi đi khá rõ ràng: muốn biến Lagonda thành một thương hiệu xe điện độc lập có khả năng cạnh tranh với Bentley và Rolls-Royce thông qua thuốc thử đầu tiên là Lagonda Vision Concept.

Theo như CEO Aston Martin, việc đứng độc lập cũng có những lợi thế của nó "chúng tôi không sở hữu ưu thế vượt trội về chi phí như VW nhưng chúng tôi cũng không phải thông qua quá nhiều công đoạn để được ‘bật đèn xanh’ một mẫu xe và thiết kế của chúng tôi cũng sẽ không bị trùng lặp nhiều". Trong đó, thiết kế tương đồng giữa các dòng xe sang đã là điểm yếu của các thương hiệu xe sang thuộc Volkswagen trong thời gian qua, có thể kể đến như giữa Bentley Bentayga và Lamborghini Urus – 2 dòng SUV cao cấp nhất sử dụng khung gầm MLB Evo.

Vì sao các hãng xe sang dồn sức cho nửa trên phân khúc? - Ảnh 5.

Aston Martin Lagonda Vision Concept

Rolls-Royce, thương hiệu hiện thuộc sở hữu của BMW, tự phát triển khung gầm cho mình vì lý do đó. Họ muốn có sự khác biệt cho riêng mình thay vì phải dựa vào tập đoàn mẹ.

Một phương pháp khác mà các hãng xe lớn có thể lựa chọn là hợp tác sản xuất với một thương hiệu khác. Chẳng hạn như Toyota khi họ liên kết với BMW để sản xuất xe thể thao. Một mối hợp tác như vậy có thể giúp cả 2 phía cùng có lợi bởi chúng có chung ưu điểm với những gì Volkswagen đang làm: họ không tốn chi phí phát triển công nghệ mà đối tác đã có trong khi thiết kế không hẳn sẽ phải dựa vào nhau dẫn tới việc tương đồng và nhàm chán.

Ảnh: Autonews