Kỳ vọng nhiều vào chiếc crossover đô thị cỡ nhỏ đầy phong cách C-HR nhưng Toyota vẫn chưa đạt được thành công mà họ mong muốn ở Bắc Mỹ.
Dù thiết kế trẻ trung và táo bạo đã giúp dòng crossover Toyota gặt hái những thành quả đáng kể tại quê nhà Nhật Bản cũng như thị trường châu Âu nói chung nhưng tại Bắc Mỹ, mọi chuyện lại diễn ra không hề suôn sẻ khi mức độ cạnh tranh ngày một khốc liệt.
Với việc Lexus ra mắt dòng UX mới tại Geneva sử dụng chung khung gầm với C-HR, tập đoàn Nhật sẽ có cơ hội thứ 2 để đánh vào phân khúc crossover cỡ nhỏ khu vực Bắc Mỹ.
Toyota C-HR
Thực chất thì phải nói rằng dòng C-HR có tiềm năng không hề tồi, thế nhưng doanh số xe lại trượt dài một cách khó hiểu tới mức mà nhiều nhà phân tích cũng chẳng thể hiểu nguyên nhân khả dĩ. Có thể nói từ đầu 2017 (thời điểm xe bắt đầu bán ra) tới giờ, C-HR đã và đang là "gánh nặng" trong dòng sản phẩm của Toyota tại khu vực này. Tất cả dòng xe khác của họ ngược lại đều đang xây dựng được chỗ đứng vững chắc. Corolla, RAV4, Camry và Highlander luôn lọt top bán chạy trong phân khúc của chúng trong khi C-HR chỉ đứng... thứ 7, thua cả Mitsubishi Outlander Sport.
So với các mẫu xe bán chạy dẫn đầu thị trường như Camry hay Corolla, những đóng góp của C-HR cho Toyota hiện giờ quá nhỏ bé.
Ban đầu, Toyota kỳ vọng C-HR có thể nhanh chóng đạt mốc 5.000 xe/tháng trước khi tăng trưởng đều đặn trong giai đoạn về sau nhưng mọi thứ diễn ra trái hẳn với những gì hãng mong đợi. Sau hơn một năm có mặt bên cạnh việc đẩy mạnh sản lượng C-HR (từ nhà máy lắp ráp đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ) và các chương trình khuyến mãi, ưu đãi mạnh tay, doanh số xe mới đạt được tới mốc... 4.420 chiếc vào tháng 2 vừa qua, cũng là con số cao nhất từng đạt được. Khi nhìn vào với phân khúc crossover cỡ nhỏ đang tăng trưởng ngày một mạnh mẽ (tăng từ hơn 170.000 xe/năm vào 2014 lên hơn 560.000 xe/năm vào 2017), C-HR thực sự đang thất thế nhưng cơ hội phát triển của xe vẫn còn.
Trái với các đánh giá bi quan từ các nhà chuyên môn, phó chủ tịch cấp cao của Toyota Bắc Mỹ, ông Bill Fay cho biết họ "khá hài lòng với vị trí hiện tại của C-HR". Ông nhấn mạnh rằng C-HR vẫn là một mẫu xe hoàn toàn mới và cũng chỉ mới có mặt một năm trên thị trường, trái với các dòng xe khác vốn có bề dày lịch sử của Toyota. Giờ, Toyota vẫn đang tiếp cận và giới thiệu chiếc crossover tới với nhiều khách hàng của mình hơn.
Toyota vẫn đang tạm thời hài lòng với chiếc crossover. Ảnh: Motor1.
Một trong những nguyên nhân có thể sử dụng để lý giải cho sự chậm phát triển của C-HR là việc ban đầu, đây là dòng xe dành cho thương hiệu Scion – thương hiệu nhắm tới nhóm khách hàng trẻ của Toyota tại Bắc Mỹ nhưng đã ngưng hoạt động từ 2016.
Thông thường, Toyota luôn cung cấp hàng loạt cấu hình trang bị khác nhau với các mức giá khác nhau từ thấp tới cao cho khách hàng. Scion thì ngược lại khi gần như chỉ có duy nhất một cấu hình tiêu chuẩn ở mức trung bình để mang lại giá trị sử dụng/sở hữu trên giá thành tốt nhất cho khách hàng của họ. Chính vì lẽ đó mà Scion bị nhiều người tiêu dùng gắn mác... kém sang tại Bắc Mỹ.
Scion C-HR - tiền thân của mẫu xe Toyota ngày nay.
Ngoài ra, có một nguyên nhân khác cũng có thể dẫn tới sự quay lưng của khách hàng với C-HR. Người tiêu dùng tại Mỹ có xu hướng ưa chuộng các dòng crossover có khả năng mang lại những giá trị mà dòng bán tải thường sở hữu, chẳng hạn như tải trọng hay khả năng vượt địa hình.
Vì lẽ đó, hệ dẫn động 2 cầu toàn thời gian là một mục được ưu tiên bên cạnh những yếu tố phụ khác như độ tiện nghi hay hiệu suất. Bản C-HR tại Bắc Mỹ, đáng tiếc thay, chỉ có lựa chọn dẫn động cầu trước (trong khi ở châu Âu lại có bản 2 cầu). Thêm nữa, hệ thống thông tin giải trí cũng không tích hợp định vị, nội thất không có ghế bọc da, không có tùy chọn loa cao cấp, không Apple CarPlay, không Android Auto và cũng không có nhiều tùy chọn động cơ. Ở châu Âu, người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn động cơ xăng tăng áp hoặc động cơ hybrid đi kèm hộp số sàn/tự động nhiều cấp.
Các tùy chọn của Toyota cung cấp cho C-HR bản Bắc Mỹ cũng không đa dạng
Động cơ 4 xy-lanh chạy xăng cùng hộp số CVT của C-HR bản Bắc Mỹ thì bị chê là tăng tốc kém và hơi ồn ào khi vận hành. Đây là một điểm trừ khi biết rằng C-HR sử dụng khung gầm toàn cầu mới của Toyota.
Dù vậy, như đã nói, tiềm năng phát triển của C-HR vẫn còn. Theo chia sẻ của Toyota, nhóm đối tượng khách hàng trẻ đã và đang bắt đầu để mắt tới chiếc crossover này. Hãng cũng đang rục rịch chuẩn bị các cấu hình và nâng cấp mới để "thích nghi" tốt hơn với sự khác biệt của thị trường Mỹ.
"Chúng tôi sẽ phát triển dòng C-HR như đã từng làm với các dòng xe Toyota Bắc Mỹ khác sau khi đã thu được những kinh nghiệm quý giá nhờ phản hồi từ khách hàng", ông Fay cho biết.
Ảnh: Autonews/Toyota