GAC Motors, một tập đoàn quốc doanh tới từ đất nước châu Á với tham vọng toàn cầu ngày càng rõ đang rục rịch tìm kiếm đại lý tại Mỹ cũng như 1 số thị trường lớn khác để bán dòng crossover GS8 của họ. Đáp lại, không ít đại lý cũng đang rất để tâm tới đối tác mới mẻ này bởi tiềm năng về lợi ích mà họ có thể đạt được.

Điều này thể hiện rõ qua số lượng chủ đại lý đổ về buổi họp mặt thường niên của giữa các đại lý xe trên toàn lãnh thổ Mỹ trong tháng 3 vừa qua. Họ tới để bàn tán, trao đổi ý kiến và học hỏi nhau về việc có nên chấp nhận rủi ro nói trên hay không.

Xe Trung Quốc bành trướng toàn cầu: Nhiều cơ hội, lắm rủi ro - Ảnh 1.

GS8 có mặt tại triển lãm Detroit tháng 1 vừa rồi.

GS8 ra mắt thị trường Bắc Mỹ vào tháng 1 vừa rồi tại triển lãm Detroit. Thương hiệu mà GAC Motor mang tới thị trường này là Trumpchi nhưng sẽ sớm đổi tên để tạo nên hình ảnh thương hiệu mới. Theo ông Gordon Hunter, tổng giám đốc bán hàng của đại lý Suncoast Motorsports vốn đang chỉ kinh doanh xe Volkswagen và Porsche, ông và nhiều người khác đến đây chỉ vì GS8 thay vì các mẫu xe phổ thông toàn cầu khác.

Theo ông Gordon, lãnh đạo GAC, trong một buổi họp kín với các chủ đại lý quan tâm tới quy trình "bành trướng" của họ tại Mỹ, đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng. "Họ có tiềm năng trở thành Hyundai mới tại Mỹ", ông chia sẻ.

Chỉ là vấn đề thời gian trước khi các hãng xe Trung Quốc có đủ tự tin, chất lượng và khả năng để tham chiến tại các sân chơi quốc tế và cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu Đức, Nhật và Hàn Quốc. Dù vậy, nếu xét tới thời điểm ngay bây giờ, họ cần một điểm gì đó thực sự độc đáo và đặc biệt nếu muốn dù chỉ là 1 cơ hội nhỏ nhất để làm vậy.

GAC Motors, liệu, có sở hữu một điểm như thế?

Xe Trung Quốc bành trướng toàn cầu: Nhiều cơ hội, lắm rủi ro - Ảnh 2.

Liệu các dòng xe Trung Quốc đã đủ chất lượng cạnh tranh với các đối thủ quốc tế? Ảnh: Trumpchi GS8.

Theo các chuyên gia, câu trả lời là không. Họ có SUV/Crossover, nhưng chúng không thực sự nổi bật. Họ đang cố gắng điện hóa nhưng đến khi các sản phẩm của họ ra mắt thì thị trường cũng đã đầy rẫy các dòng xe như vậy. Họ có trung tâm nghiên cứu tại thung lũng Silicon và văn phòng tại Detroit, Los Angeles nhưng thực tế thì ai cũng vậy. Đặt chân tới Mỹ có chỉ là công đoạn bắt buộc mà họ phải làm để có thể đẩy hình ảnh của mình ra toàn cầu mà thôi.

Ẩn số lớn nhất về việc GAC Motors và các hãng xe Trung Quốc sau này có thành công hay không tới từ việc liệu người tiêu dùng có vượt qua định kiến về xe "Made in China".

Một bộ phận thì cho rằng sẽ chẳng ai quan tâm nếu chất lượng xe của họ thực sự tốt. Nhiều thương hiệu Trung Quốc cũng đang xuất hiện nhan nhản tại Mỹ (dù ở mảng khác) như Lenovo hay Haier. Xét về một mặt nào đó, 2 hãng xe Buick và Volvo cũng là "xe Trung Quốc" (do tập đoàn mẹ của cả 2 là Geely) và doanh số họ tại Bắc Mỹ cũng không tồi. Hay như Ford Focus thế hệ mới sẽ lắp ráp tại Trung Quốc trước khi được xuất khẩu ngược về đây.

Xe Trung Quốc bành trướng toàn cầu: Nhiều cơ hội, lắm rủi ro - Ảnh 3.

Lynk & Co 02 - Mẫu xe Trung Quốc mới nhất gia nhập thị trường châu Âu.

Ngược lại, một bộ phận bi quan hơn thì cho rằng hình ảnh xe Trung Quốc đã xấu đi nhiều trong mắt người tiêu dùng toàn cầu sau khi một số mẫu xe nổi tiếng như Mercedes-Benz GLC hay Land Rover Range Rover bị copy trắng trợn mà chính quyền không giải quyết chính đáng. Cái nhìn vốn đã không mấy thiện cảm của họ về xe Trung Quốc vì thế sẽ còn tiêu cực hơn nữa.

Một rào cản mới xuất hiện vài tháng qua cũng có nguy cơ khiến GAC Motors "khó thở" tại Mỹ. Chính sách gây hấn của tổng thống Trump đã và đang đẩy nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại lên cao hơn bao giờ hết.

Về phần GAC, họ cho biết có tới "hàng trăm" đại lý tại Mỹ hứng thú với kế hoạch ra mắt thương hiệu của mình vào quý IV/2019 và họ cũng chưa bận tâm tới tình hình quan hệ kinh tế Mỹ - Trung trong giai đoạn này. Hiện các dòng xe của họ đang có mặt tại 14 thị trường ngoài Trung Quốc, phần lớn là thị trường đang phát triển như Trung Đông, Philippines, Nigeria, Paraguay và Bolivia.

Xe Trung Quốc bành trướng toàn cầu: Nhiều cơ hội, lắm rủi ro - Ảnh 4.

Chủ tịch GAC Motors Yu Jun cho biết họ có hàng trăm đại lý Mỹ tìm tới để bày tỏ quan điểm muốn hợp tác

Ngoài GAC, một hãng xe Trung Quốc khác là JAC Motors cũng đang xây dựng nhà máy lắp ráp tại một thị trường đang nổi có quy mô khá lớn là Brazil sau khi đã thu được 1 phần thị phần đáng kể ở đây, Bên cạnh đó, họ cũng sở hữu 1 liên doanh tại Mexico – quốc gia hàng xóm của Mỹ.

Tập đoàn Geely thì vốn đã thể hiện tham vọng toàn cầu hóa từ lâu. Sau khi mua lại Volvo họ còn thâu tóm Lotus (Anh) và Proton (Malaysia). Mới đây nhất, họ đã đạt thỏa thuận mua gần 10% cổ phần của Daimler – tập đoàn mẹ sở hữu Mercedes-Benz. Thương hiệu con của họ là Lynk & Co cũng đã giới thiệu 2 dòng xe mới tới thị trường châu Âu. 

Ảnh: Autonews