Chia sẻ với tờ Bloomberg, bà Bienkowska cho biết ý kiến cộng đồng tại châu Âu về xe diesel đã quay ngoắt 180 độ kể từ sau khi scandal Dieselgate liên quan tới Volkswagen bùng nổ vào năm 2015. Từ dòng xe được đánh giá là xu thế của nền công nghiệp ô tô nhờ hiệu suất nhiên liệu tốt, xe diesel đã biến thành "tội đồ" và vô hình chung trở thành "bước đệm" cho những phân khúc xanh, sạch hơn như xe điện.

Mới đây, không ít các hãng xe đã công bố kế hoạch loại bỏ xe diesel và thậm chí là toàn bộ xe chạy động cơ đốt trong truyền thống khỏi đội hình của mình, chẳng hạn như Volvo. Dòng S60 thế hệ mới của thương hiệu Thụy Điển sẽ dẫn đầu trào lưu "nói không với diesel" trong khi tương lai của các động cơ có dung tích trên 2.0L tại Volvo cũng sẽ sớm trở thành con số 0 khi công nghệ điện hóa được ứng dụng rộng rãi.

Một số ít thương hiệu còn lại lại lên tiếng bảo vệ động cơ diesel như Mercedes-Benz hay Jaguar Land Rover khi cho rằng chúng vẫn có vai trò nhất định trong việc làm giảm lượng khí thải CO2 thải ra mỗi năm. Dù vậy, chính họ cũng đang gặp rắc rối với xe diesel. Daimler đang bị chính quyền Đức đe dọa áp án phạt 4,4 tỉ USD vì sử dụng phần mềm can thiệp trái phép kết quả xả thải trên một số dòng xe thương mại.

Thêm nữa, quy chuẩn thử nghiệm khí thải và hiệu suất nhiên liệu mới WLTP áp dụng tại châu Âu từ tháng 9 tới đây đã ép không ít hãng xe ngừng bán sản phẩm, đặc biệt là xe diesel để nâng cấp và chẳng có điều gì đảm bảo họ có thể "chiều lòng" quy chuẩn cực kỳ khắt khe này.

Một số quốc gia và thành phố lớn trên thế giới cũng đã bày tỏ rõ quan điểm nói không với diesel trong thời gian qua. Paris, Hamburg là một số thành phố điển hình đã ban hành lệnh cấm lưu thông xe diesel cũ, không đạt chuẩn. Riêng Hamburg còn cấm xe cực kỳ nghiêm ngặt khi các phương tiện chỉ đạt chuẩn Euro5 trở xuống sẽ biến mất tuyệt đối.

Tham khảo: Paultan