Đáng chú ý, tháng 2 vừa qua cũng là tháng 2 có kết quả kinh doanh tốt nhất từ năm 2008 (1,19 triệu xe) trở lại đây. Ngoài các thị trường chủ lực như Đức, Tây Ban Nha và Pháp tăng trưởng tốt, Croatia, Hy Lạp, Hungary và Estonia đều đạt mức tăng 2 con số. Đáng chú ý, phân khúc hứa hẹn sẽ thống trị toàn cầu chỉ trong vòng vài năm tới tiếp tục có 1 tháng đại thành công khi chiếm tới 33% thị phần tổng toàn châu Âu.

SUV lên đỉnh, xe diesel rơi tự do tại châu Âu - Ảnh 1.

Phân khúc SUV sẽ sớm vươn lên dẫn đầu về thị phần tại châu Âu trong 1 ngày không xa.

Nhà phân tích Felipe Munoz thuộc tập đoàn phân tích toàn cầu JATO nhận đinh "mức tăng doanh số trong tháng 2 vừa qua rất khả quan và tiếp tục đà tăng ấn tượng từ đầu năm. Tuy nhiên, việc 13 trên 27 thị trường tại châu Âu đi xuống trong tháng 2 cho thấy chênh lệch rõ rệt trong khu vực và trong tương lai, việc tăng hay giảm doanh số có thể phụ thuộc vào chỉ một vài thị trường nhất định".

Dòng xe chạy diesel tiếp tục chứng kiến thị phần và doanh số tụt dốc không phanh, chỉ còn chiếm 39,5% tổng lượng xe bán ra, doanh số cũng giảm đáng kể 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 2 thị trường chính vốn khá chuộng diesel trước kia là Đức và Anh nay "ngoảnh mặt làm ngơ" với dòng xe này (giảm lần lượt 19,2% và 23,5%) là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả bết bát nói trên. Trong khi đó lượng xe xăng bán ra tăng mạnh 16% trong tháng 2, đồng thời xe chạy nhiên liệu thay thế cũng được hưởng lợi nhất định với mức tăng 18,5%.

SUV không chỉ là dòng xe duy nhất chứng kiến tăng trưởng doanh số lẫn lượng xe đặng ký khi phân khúc xe sang và siêu sang cũng tăng nhẹ tại châu Âu từ đầu năm.

SUV lên đỉnh, xe diesel rơi tự do tại châu Âu - Ảnh 2.

Trong khi đó, các dòng xe diesel vẫn chưa tìm được điểm tựa bấu víu

Xét về doanh số tổng, tập đoàn Volkswagen vẫn không có đối thủ trong khu vực, theo sau là Renault, Peugeot, Ford và Opel/Vauxhall. Dòng xe bán chạy nhất trong tháng 2 tại châu Âu là Golf, tăng 16%. Tập đoàn PSA, với khả năng cạnh tranh tốt tới từ các dòng xe Peugeot 3008, 5008, Citroen C3 Aircross, Opel Crossland và Grandland đang cải thiện dần thị phần của mình.

Ở chiều ngược lại, tập đoàn FCA đang dần mất đi chỗ đứng tại châu Âu khi 2 thương hiệu của họ là Fiat và Lancia đều không còn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Ảnh: Carscoops