Chia sẻ với tờ Road and Track tại thềm triển lãm, kỹ sư trưởng phụ trách phát triển chiếc Toyota Supra sắp ra mắt, ông Tetsuya Tada cho biết 2 phía đã mất tới gần 2 năm chỉ để trao đổi và tìm tiếng nói chung về triết lý và văn hóa hoạt động.

"Toyota và BMW có nhiều điểm bất đồng về phương thức chế tạo xe. Triết lý của cả 2 cũng như tư tưởng của người Nhật và người Đức cũng khác nhau rất nhiều. Bởi vậy, chúng tôi phải vượt qua rất nhiều khác biệt và khó khăn để có thể có được thành quả", ông hé lộ.

Cũng cần nói thêm rằng liên minh giữa Toyota và BMW không hề giống các liên minh khác mà tập đoàn Nhật Bản có. Lấy ví dụ việc Subaru hợp tác với Toyota mà thành quả là 2 dòng xe tới từ chung 1 gốc: 86 và BRZ. Khi đó, cả 2 phía đều đồng thuận việc cho phép đối tác sử dụng lượng linh kiện tối đa có thể từ phía mình, do đó không ngạc nhiên khi kết quả là Toyota 86 và Subaru BRZ "tuy 2 mà 1".

Khác biệt văn hóa ngăn cản liên minh Toyota - BMW - Ảnh 1.

BMW thu được Z4 mới trong khi Toyota hoàn tất Supra từ mối hợp tác dai dẳng đã kéo dài hơn 6 năm.

Cũng vì lẽ đó, khi chấp nhận thỏa thuận với BMW, Toyota đã ngỡ rằng họ cũng có thể làm như vậy. Tuy nhiên, câu trả lời của thương hiệu Đức đã làm họ ngỡ ngàng khi cho rằng việc chia sẻ linh kiện chẳng có nghĩa lý gì nếu họ (từng thương hiệu) không đạt được kết quả, đạt được mẫu xe mà mình thực sự mong muốn.

Do đó, phía Toyota và BMW đã phải ngồi lại với nhau để bàn bạc xem mẫu xe cuối cùng mà họ muốn nhận được từ cuộc hợp tác này là gì. Từ đó, 2 bên có thể nhận ra mình trợ giúp được đối phương (bằng linh kiện) tới bao nhiêu.

Kết quả là trái với 86/BRZ, 2 mẫu xe ra đời từ liên minh Toyota-BMW sẽ hoàn toàn khác biệt. Về phía tập đoàn Đức, thành quả của họ là mẫu xe truyền nhân của dòng BMW Z4 trong khi Toyota hoàn thành thế hệ Supra hoàn toàn mới.  Cả 2, dù sử dụng chung khung gầm và nằm trong phân khúc xe thể thao, đều sở hữu hệ thống truyền động và thiết kế không đụng hàng.

Ảnh: Carscoops