Cũng cần phải nói thêm rằng phần cứng lẫn phần mềm trên Tesla Model S khi đó đều được đồng bộ tối ưu cho cách nâng cấp này. Đây thực chất không phải là do Tesla chạy trước thời đại mà họ... buộc phải làm vậy vì không có hệ thống đại lý bán hàng và số lượng trung tâm dịch vụ cũng cực kỳ hạn chế.

Nhờ cho phép Tesla tùy chỉnh khả năng trợ lực đánh lái, phanh hay chiều cao gầm xe từ xa cùng các bản vá phần mềm liên tục được cập nhật theo thời gian thực, hệ thống nâng cấp trực tuyến đã giúp các chủ xe bớt phiền phức hơn rất nhiều khi không phải ra trung tâm dịch vụ thường xuyên.

Đã 7 năm trôi qua và các ông lớn hàng đầu thế giới vẫn chậm hơn Tesla ở điểm này - Ảnh 1.

Có thể nói sự tiện lợi này đã gián tiếp đóng góp một phần không nhỏ vào doanh số tổng của Tesla khi biết rằng rất nhiều người từng bỏ qua ý định mua xe điện vào giai đoạn 2012 tới nay vì sự phiền phức dòng xe này đem lại không hề nhỏ (phải sạc lại xe, khó sửa chữa...)

Còn nhớ khi siêu bão Irma đổ bộ vào Mỹ hồi năm 2017, Tesla đã được không ít chủ xe "đưa lên mây" khi tung bản nâng cấp mở khóa giới hạn tầm hoạt động của Model S/X trong khu vực, qua đó giúp họ sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm nhanh chóng hoặc hỗ trợ công tác cấp cứu hiệu quả hơn.

Ngoài ra, các nghiên cứu được tờ Wall Street Journal tập hợp cũng cho thấy có gần nửa số vụ triệu hồi xe tại Bắc Mỹ trong thời gian trở lại đây liên quan tới lỗi phần mềm mà, nếu công nghệ cập nhật qua mạng Internet được ứng dụng từ trước, đã không xảy ra, qua đó giúp tiết kiệm hàng trăm triệu tới hàng tỉ USD cho các hãng xe.

Đã 7 năm trôi qua và các ông lớn hàng đầu thế giới vẫn chậm hơn Tesla ở điểm này - Ảnh 2.

Như vậy, có thể thấy việc nâng cấp phần mềm ô tô qua mạng có rất nhiều lợi ích, vậy tại sao những thương hiệu lớn với quy mô gấp nhiều lần Tesla vẫn chưa thể áp dụng cách nâng cấp này?

Theo Wall Street Journal, nhiều hãng xe đổ lỗi cho việc phần cứng của họ không hỗ trợ công nghệ này do được phát triển từ trước. Tuy nhiên, đã 7 năm – tương đương 1 đời xe, trôi qua kể từ khi Tesla bắt đầu đưa công nghệ này vào ứng dụng, do đó lập luận này đã lỗi thời.

Rào cản cuối cùng mà những tập đoàn lớn như VW hay GM lo ngại tới từ vấn đề an ninh mạng: các cỗ máy 4 bánh càng hiện đại, rủi ro đi kèm càng lớn. Liệu các hacker có thể tìm ra lỗ hổng trong phần mềm để chiếm quyền điều khiển xe từ xa bằng cách can thiệp vào các bản vá mà hãng xe phát hành? Liệu sẽ có 1 phương thức trộm xe công nghệ cao khác giống Relay Theft?

Giải pháp cho vấn đề trên xin để các hãng xe hạ hồi phân giải. Tới giờ ta chỉ biết rằng General Motors sẽ là tập đoàn lớn đầu tiên cho phép khách hàng nâng cấp phần mềm xe trực tuyến trên 1 mẫu xe "ra mắt năm nay". Nhà cung ứng Harman International thì cho biết đang làm việc với "hơn 10 hãng xe lớn" để cố gắng phổ cập hóa tính năng này trên ô tô sớm nhất có thể.

Tham khảo: Wall Street Journal/Jalopnik