Càng về cuối năm 2017, cận kề thời điểm 1/1/2018, thị trường ô tô Việt Nam càng thêm nhiều biến động khó đoán trước. Nhiều chính sách được ban hành có tác động hai chiều tới ngành công nghiệp ô tô trong nước; giá xe mới tăng/giảm không theo quy luật; xe lắp ráp chuyển sang nhập khẩu và ngược lại; các hãng xe thay thế nhà phân phối mới…

Trong bối cảnh rối ren đó, hai ông lớn trên thị trường ô tô Việt là Trường Hải và Toyota Việt Nam đều đã tung ra những phương án mang tính chiến lược cho cả năm 2018 sau năm bản lề 2017 đầy biến động. Theo số liệu thống kê của VAMA từ đầu năm đến nay, cuộc chiến thị phần đang nghiêng về Toyota. Liệu liên doanh Nhật Bản có giữ được vị trí hay lại để THACO vượt lên như năm 2016?

Toyota vs Trường Hải: Cuộc đua thị phần khó đoán trong năm 2018 - Ảnh 1.

Xét riêng trong mảng xe con, THACO bứt phá trong 4 năm trở lại đây và đỉnh điểm là vượt lên cả Toyota Việt Nam nhờ chiến lược giảm giá mạnh. Khi cắt khuyến mại, doanh số của THACO giảm xuống và đang kém đối thủ trong 10 tháng đầu 2017. Số liệu: VAMA.

THACO yếu thế trong năm 2017

Bằng những chương trình khuyến mại, giảm giá sâu trong năm 2016, lượng xe con của hai thương hiệu Mazda và Kia có doanh số tăng đột biến, góp phần đưa thị phần của THACO từ 38,6% lên 41,5% trong vòng một năm.

Mặc dù vậy, bước sang năm 2017, các chương trình giảm giá không còn mạnh tay như năm trước nên đúng như dự báo của THACO từ đầu năm, bất chấp động thái cắt giảm 31% lợi nhuận (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng), lượng xe bán ra trong năm 2017 không thể đạt đỉnh như năm 2016.

Toyota vs Trường Hải: Cuộc đua thị phần khó đoán trong năm 2018 - Ảnh 2.

Nếu tính cả xe thương mại thì THACO vẫn chiếm thị phần lớn nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng mảng xe du lịch với Mazda và Kia là hai thương hiệu đóng góp chính (Peugeot chỉ 0,1% thị phần), THACO đang tụt lại phía sau Toyota Việt Nam. Số liệu: VAMA.

Chiến lược giảm giá xe của THACO dường như đã có lộ trình sẵn. Việc khuyến mại sâu trong năm 2016 để thúc đẩy doanh số bán hàng, trong khi thay đổi về giá bán trong năm 2017 nhằm mục đích giữ thị phần trước những biến động thị trường trước năm 2018.

Không những không duy trì được thị phần, THACO còn bị sụt giảm mạnh, từ 42% trong 10 tháng đầu năm 2016 xuống còn 36% trong cùng kỳ năm nay. Ngược lại, Toyota lại có sự tăng trưởng rõ rệt, từ 20,5% lên 23,5% cùng trong khoảng thời gian đó.

Toyota vs Trường Hải: Cuộc đua thị phần khó đoán trong năm 2018 - Ảnh 3.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính là do Toyota Việt Nam bắt đầu áp dụng nhiều chương trình giảm giá sâu liên tiếp, khuyến mại chồng khuyến mại, khiến giá xe trở nên "dễ thở" hơn nhiều so với năm ngoái. Không chỉ từ Toyota Việt Nam, chính các đại lý cũng phải cắt giảm lợi nhuận để thúc đẩy doanh số. Đây là một hành động chưa từng nằm trong tiền lệ của liên doanh Nhật Bản cũng như các đại lý bán xe Toyota.

Trong khi đó, giá xe Mazda và Kia chỉ giảm nhỏ giọt, không mạnh như đối thủ, thậm chí có thời điểm tăng nhẹ trong năm. THACO cho biết, giá xe Mazda đến nay đã gần "chạm đáy", khó có thể giảm sâu hơn nữa.

Nhiều bất ngờ cho năm 2018

Tuy nhiên, năm 2017 chỉ là bước đà của Trường Hải để đạt được những mục tiêu lớn trong năm sau, mở đầu bằng việc đơn vị này sẽ tiếp nhận BMW và MINI sau bê bối gian lận giấy tờ của Euro Auto. THACO sẽ chính thức phân phối xe thuộc hai thương hiệu trên kể từ ngày 1/1/2018.

Trong thời gian chờ tiếp nhận BMW, THACO tiếp tục xác nhận về việc phân phối thêm dòng xe tải FUSO trong năm 2018. Hiện tại, FUSO được quản lý bởi Mercedes-Benz Việt Nam (MBV). Như vậy, trước mắt, tập đoàn ô tô lớn nhất Việt Nam sẽ bán xe thuộc các hãng Mazda, Kia, Peugeot, BMW, MINI và FUSO.

Cả BMW và FUSO đều là những hãng xe có tiềm năng lớn trên thị trường. Khi chưa dính vào bê bối gian lận giấy tờ, Euro Auto đã giúp doanh số bán hàng của BMW và MINI tăng trưởng tốt và đều đặn (40% trong năm 2015). FUSO cũng để lại dấu ấn với lượng xe bán ra từ đầu năm đến nay chiếm khoảng 13,7% thị phần MBV.

Toyota vs Trường Hải: Cuộc đua thị phần khó đoán trong năm 2018 - Ảnh 4.

THACO sẽ phân phối xe BMW và MINI từ năm 2018.

Đối với Peugeot, bước chuyển mình của thương hiệu Pháp sẽ diễn ra ngay trong tháng 12 khi những mẫu xe mới của hãng này sẽ được lắp ráp trong nước. Vào ngày 22/2, THACO đã ký kết biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ sản xuất lắp ráp các sản phẩm Peugeot mới với tập đoàn PSA. Theo đó, hai mẫu SUV mới (là Peugeot 3008 và 5008) sẽ được lắp ráp tại nhà máy ở Chu Lai (Quảng Nam).

Với chính sách mới, ưu đãi cho các xe lắp ráp trong nước, giá xe Peugeot được dự báo giảm xuống. Khi đó, thương hiệu Pháp sẽ có thể tăng sức cạnh tranh tốt hơn ở các phân khúc SUV/crossover đang nổi như crossover 5 chỗ (với 3008) và SUV 7 chỗ (với 5008).

Các mẫu xe Mazda và Kia vẫn duy trì lắp ráp trong nước. Không những vậy, THACO sẽ đẩy mạnh việc sản xuất linh kiện, phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hoá trên 40%. Từ đó, xe Mazda Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nội khối ASEAN sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.

Ở đầu kia chiến tuyến, Toyota vẫn lắp ráp xe nhưng bắt đầu chuyển sang nhập khẩu xe trong ASEAN, điển hình là Yaris nhập Thái Lan và Fortuner nhập Indonesia. Theo dự kiến, Toyota sẽ còn nhập thêm về xe giá rẻ Wigo và Fortuner phiên bản mới từ đầu năm 2018. Không may, Nghị định 116/2017/NĐ-CP khiến liên doanh này phải hoãn nhập xe mới.

Hai mẫu xe giành được nhiều sự quan tâm từ khách hàng Việt không thể về nước đúng dự kiến sẽ khiến Toyota giảm sức cạnh tranh về doanh số dịp đầu năm 2018 so với dự kiến. Nếu tiếp tục giảm giá, xe Toyota sẽ chạm xuống mức đáy tương tự trường hợp VinaMazda đang gặp phải hiện nay. Khi đó, hãng sẽ phải cân nhắc tới các phương án khác để thúc đẩy doanh số.