Hiện tại, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang đẩy mạnh kiểm soát độ an toàn của các phương tiện bán ra tại đây ở cả phân khúc 2 và 4 bánh. Một dự thảo được soạn từ tháng 8/2016 với đề xuất tăng nặng mức phạt vi phạm luật giao thông đồng thời bắt buộc các hãng xe phải trang bị thêm các tính năng an toàn trên sản phẩm của mình vừa được thông qua Hạ viện và dự kiến sẽ được Thượng viện nước này phê chuẩn vào đầu năm 2018.

Những thay đổi kể trên có thể làm gia tăng đáng kể chi phí sản xuất cho cả các hãng xe quốc tế và nội địa tại Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này đang trên đà trở thành thị trường xe lớn thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Mỹ vào năm 2020. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tai nạn giao thông tiêu tốn 3% GDP hàng năm của Ấn Độ.

Xe giá rẻ, không trang bị an toàn hết cửa sống tại Ấn Độ - Ảnh 1.

Suzuki Alto - một trong những mẫu xe bán chạy mà không cần trang thiết bị an toàn tại Ấn Độ

Tại thị trường ô tô Ấn Độ, không hiếm mẫu xe đạt... 0 sao tiêu chuẩn NCAP toàn cầu, đồng nghĩa với việc gần như chẳng có một trang bị an toàn nào đáng kể, kể cả túi khí. Do đó, ngay cả một va chạm thông thường ở tốc độ thấp (65 km/h) cũng có thể dẫn tới tử vong. Các nỗ lực của quốc gia này trong việc siết chặt yêu cầu chất lượng xe đều chẳng mang lại hiệu quả vì không được làm tới nơi tới chốn để chừa khoảng trống cho thị trường tăng trưởng, dẫn tới thực trạng giao thông đáng báo động. Có thể nói quốc gia này đang chậm chân tới 20 năm trong việc soạn thảo 1 bộ luật quy định an toàn giao thông đúng đắn.

Bên cạnh đó, cũng cần nói tới việc người tiêu dùng tại Ấn Độ đặc biệt coi trọng giá xe. Các mẫu xe giá rẻ với không một trang bị an toàn nào (hoặc rất ít) vẫn được bán ra bởi các thương hiệu danh tiếng như Tata Motors, Suzuki (Maruti Suzuki India), Renault SA và Hyundai. Giá các mẫu xe này rất thấp (thường dưới 6.300 USD) để thu hút người mua. Quy định mới bắt buộc các hãng xe phải trang bị thêm túi khí, phanh ABS cùng các cảnh báo va chạm bằng âm thanh có thể đẩy mốc trên lên khá cao.

Xe giá rẻ, không trang bị an toàn hết cửa sống tại Ấn Độ - Ảnh 2.

Renault từng bị chấm 0 sao tại Ấn Độ bởi NCAP nhưng giờ đã đạt chuẩn 3 sao

Trong khi đó, các mẫu xe có giá cực thấp (có thể chỉ tương đương 60 - 80 triệu đồng) được các thương hiệu nội địa sản xuất hoàn toàn có thể bị khai tử bởi họ không có các công nghệ cần thiết hoặc nếu có, giá thành cũng bị đội lên cao hơn hẳn.

Một vài thương hiệu quốc tế thực ra đã có động thái bảo vệ khách hàng từ trước cả khi chính quyền Ấn Độ ấp ủ quy định mới. Trong năm 2015, Renault bán Kwid mà không có cả túi khí trước lẫn phanh ABS dẫn tới kết quả tất yếu - mức 0 sao NCAP toàn cầu cho dòng xe cỡ nhỏ này. Kể từ đó trở đi, hãng đã chọn phương án an toàn hơn khi dần tích hợp các công nghệ an toàn cả chủ động lẫn bị động cho Kwid và giờ phiên bản Ấn Độ đã đạt chuẩn 3 sao.

Ngược lại, một vài thương hiệu quốc tế khác mang tới Ấn Độ những dòng xe quốc tế không có nhiều chỉnh sửa, chẳng hạn như Toyota và Volkswagen. Do đó, họ có vẻ như không cần bận tâm tới sự thay đổi sắp diễn ra này.

Ảnh: Auto News