Trung Quốc tăng thuế trở lại đối với xe sử dụng động cơ cỡ nhỏ và đã gây ra những "hậu quả" lớn hơn dự đoán. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô nước này ước tính lượng tiêu thụ năm 2017 tăng trưởng quanh mức 3,5%, không đạt mục tiêu đề ra. Con số năm nay thậm chí được kỳ vọng chỉ 3%.

Những tác động từ việc cắt giảm ưu đãi thuế thể hiện ở lượng tiêu thụ năm 2017 của một số hãng xe toàn cầu. GM cho biết kết quả bán hàng tăng 4,4% trong năm 2017, thấp hơn mức 7,7% của năm 2016. Đồng hương Ford còn chứng kiến mức sụt giảm 6% sau khi tăng trưởng 11,9% vào năm 2016.

Kết thúc năm vừa qua, tỷ lệ tăng trưởng ở Toyota cũng thấp hơn so với năm trước. Hyundai và Kia đều "đổ lỗi" cho chính sách thuế là một nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ chậm chạp.

Năm 2015, Trung Quốc đưa ra chính sách ưu đãi thuế đối với một số mẫu xe nhằm thúc đẩy lượng tiêu thụ trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà đi xuống. Kể từ đầu năm ngoái, Bắc Kinh bắt đầu tăng thuế đối với các dòng xe được trang bị động cơ dưới 1.6L từ 5% lên 7,5%. Con số dự kiến tăng lên 10% trong năm nay.

Điều đó có nghĩa là cuộc cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt, yêu cầu các nhà sản xuất phản ứng nhanh nhạy hơn trước những thay đổi về nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây cũng chính là điều mà một số hãng xe địa phương và thương hiệu Nhật Bản có thể nắm bắt được. Ngày 10/1, Geely Trung Quốc công bố lợi nhuận ròng năm 2017 đã tăng gấp đôi nhờ lượng tiêu thụ cải thiện đáng kể.

Bên cạnh thuế tăng trở lại còn là những thách thức liên quan đến "hạn ngạch" sản xuất cũng như tiêu thụ xe sử dụng năng lượng mới mà Bắc Kinh muốn các hãng áp dụng vào năm 2019. Chính sách đã dẫn đến sự xuất hiện của không ít mẫu xe điện và xe hybrid trong thời gian gần đây.