Theo thỏa thuận giữa 2 phía công bố trên tờ Bloomberg, Grab sẽ được chuyển giao toàn bộ hoạt động của Uber trong thời gian tới, trong đó bao gồm cả dịch vụ giao đồ ăn UberEats. Đổi lại, hãng sẽ nhận được 27,5% cổ phẩn của Grab và giám đốc điều hành Uber hiện tại cũng sẽ tham gia vào ban lãnh đạo công ty có trụ sở tại Singapore từ thời điểm này trở đi.

Thỏa thuận "ngừng bắn" giữa 2 bên là một chiến thắng đáng tự hào cho Grab cũng như SoftBank – tập đoàn đang là cổ đông lớn nhất của cả 2 công ty công nghệ. Khu vực Đông Nam Á có số dân 620 triệu người và được ước tính sẽ đem lại khoản doanh thu hơn 20,1 tỉ USD tính riêng trong mảng chia sẻ xe vào giai đoạn 2025. Uber, Grab và 2 công ty khác được Softbank hỗ trợ là Ola tại Ấn Độ và Didi Chuxing tại Trung Quốc hiện cung cấp khoảng 45 triệu lượt đi mỗi ngày trong khu vực.

Uber rút chân khỏi Đông Nam Á, nhường lại đất diễn cho Grab - Ảnh 1.

Tiềm năng tăng trưởng của dịch vụ chia sẻ xe tại Đông Nam Á là rất lớn. Nguồn: Bloomberg.

Việc Uber rút chân khỏi Đông Nam Á sớm sẽ giúp họ "tiết kiệm" được khoản lỗ trong tương lai khi chào bán chứng khoán mảng kinh doanh trong khu vực cho công chúng. Dù vậy, điều này cũng có nghĩa sự hiện diện của Uber tại châu Á nói chung đã giảm đáng kể, nhất là khi họ cũng đã rút lui khỏi Trung Quốc qua 1 thương vụ tương tự. Đối tác họ chọn tại Trung Quốc là Didi Chuxing – cũng chính là đối thủ đã chạy đua "đốt tiền" cùng Uber trước đó. Xa hơn một chút, tại sát biên giới Á-Âu là Nga, hãng cũng đã sát nhập với Yandex.

CEO đương nhiệm của Uber, ông Dara Khosrowshahi đang nỗ lực ổn định tài chính công ty sau khi đã tiêu tốn hơn 10,7 tỉ USD từ thời điểm hãng thành lập vào 9 năm trước.

Uber rút chân khỏi Đông Nam Á, nhường lại đất diễn cho Grab - Ảnh 2.

CEO Uber, ông Dara Khosrowshahi đang phải đối mặt với nhiều thách thức sau khi tiếp quản chiếc ghế từ Travis Kalanick.

Trong chuyến viếng thăm châu Á vào tháng trước, vị lãnh đạo của Uber cho biết ông và công ty sẽ chỉ tập trung vào một số thị trường chiến lược chủ chốt trong khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ. Tuy nhiên, việc rút lui khỏi ngày càng nhiều thị trường sẽ buộc họ phải chú trọng hơn vào sân nhà và cũng là khoản thu chính hiện thời của mình: Bắc Mỹ.

Grab, vốn phát triển từ nền tảng là một dịch vụ gọi taxi tại Kuala Lumpur vào năm 2012, nhanh chóng trở thành thế lực thống tri trong khu vực Đông Nam Á sau khi gây được quỹ đầu tư 4 tỉ USD. Hiện tại, giá trị thương hiệu của họ không dưới mức 6 tỉ USD khi đã có hơn 86 triệu lượt tải ứng dụng cùng dịch vụ rộng khắp trên 191 thành phố thuộc nhiều quốc gia, bao gồm Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Ảnh: Paultan