2017 là một năm đầy sóng gió với ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản khi tập đoàn Takata phá sản do bê bối túi khí và sự việc thép Kobe kém chất lượng vừa được "đưa ra ánh sáng". Mới đây, hai tập đoàn Nissan Motor và Subaru lại phải thu hồi những chiếc xe được cho là "lừa dối khách hàng" do được ký nghiệm thu bởi những giám định viên không đủ thẩm quyền.

So với hai bê bối túi khí và thép kém chất lượng, sự vi phạm của Nissan và Subaru để lại hậu quả ít hơn. Mặc dù vậy, hai thương hiệu ô tô Nhật vẫn lĩnh đủ thiệt hại về kinh tế.

Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cho biết, Nissan và Subaru là hai hãng duy nhất phải thu hồi xe tại quốc gia này với nguyên nhân đến từ việc để những người không đủ thẩm quyền nghiệm thu sản phẩm ở bước cuối của dây chuyền.

Sự thật sau bê bối lừa dối khách hàng của Nissan và Subaru: Xe vẫn đủ tiêu chuẩn - Ảnh 1.

Xe Subaru chỉ bị ảnh hưởng tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: Auto Blog.

Những chiếc xe Nissan và Subaru nào bị ảnh hưởng?

Đối với khách hàng mua xe Nissan và Subaru không phải tại Nhật Bản, vụ bê bối này không ảnh hưởng. Trong khi đó, chủ xe tại Nhật có thể sẽ được yêu cầu đưa xe đến đại lý.

Bản chất vụ bê bối là gì?

Chính phủ Nhật quy định rằng, các nhà sản xuất ô tô phải bổ nhiệm những nhân viên nhất định được chứng nhận để thực hiện khâu giám định cuối cùng cho những chiếc xe được lắp ráp tại đây (chỉ tại Nhật). Vấn đề mà Nissan và Subaru gặp phải là đã để những người không được cấp quyền sử dụng con dấu của người có thẩm quyền thông qua cho những chiếc xe ra khỏi dây chuyền.

Hậu quả là, Nissan bắt đầu thu hồi khoảng 1,2 triệu xe. Chi phí mà hãng này phải bỏ ra ước tính khoảng 25 tỷ yên Nhật (khoảng 4.995 tỷ đồng). Trong khi đó, Subaru dự kiến thu hồi khoảng 225.000 xe.

Theo một người giấu tên có liên quan đến sự việc, Nissan đã thực hiện việc giám định gian dối trong gần 4 thập kỷ. Subaru thừa nhận họ đã vi phạm trong 3 thập kỷ.

Tại sao sự gian dối "nằm trong bóng tối" suốt một thời gian dài?

Chính phủ Nhật cho phép các hãng xe quyền hạn tự lên chương trình riêng để đào tạo những chuyên gia giám định phương tiện khâu cuối cùng và trao chứng chỉ cho họ. 

Cả Nissan và Subaru đều yêu cầu giám định viên được đào tạo tại chỗ với những người đã có chứng chỉ. Họ đã vi phạm luật. CEO của hai công ty đều cho biết nhân viên trong phân xưởng không biết rằng việc làm như vậy là sai.

Sự thật sau bê bối lừa dối khách hàng của Nissan và Subaru: Xe vẫn đủ tiêu chuẩn - Ảnh 2.

Chủ tịch kiêm CEO của Subaru cúi đầu nhận lỗi trong buổi họp báo ngày 27/7. Ảnh: AP.

"Thật ngạc nhiên, sự việc không hề được phát giác trong hàng thập kỷ như vậy," Janet Lewis, chuyên gia phân tích tại Macquarie Capital Securities có trụ sở tại Nhật, trả lời Bloomberg.

Tại sao những chiếc xe có tuổi đời hơn 3 năm không bị triệu hồi?

Luật pháp sở tại yêu cầu tất cả những phương tiện 3 năm sau khi được bán ra và đăng ký phải được giám định lại tại những nơi được chính phủ cấp thẩm quyền. Quy trình này tương tự nhưng không giống hoàn toàn so với việc kiểm định bước cuối tại nhà máy. Do đó, giới hạn tuổi đời dành cho cả xe Nissan và Subaru là khoảng 3 năm.

Các nhà đầu tư vẫn bình chân như vại

Nissan ước tính việc thu hồi xe tiêu tốn khoảng 3,8% lợi nhuận ròng của công ty trong năm tài chính tính đến hết tháng 3 năm sau và 0,2% doanh thu của năm tài chính trước. 90% số lượng xe của Nissan bán ở thị trường ngoài Nhật Bản.

Ngày 29/9, cổ phiếu của Nissan giảm khoảng 0,6% sau vài giờ kể từ khi công ty công bố đang tạm hoãn việc đăng ký xe tại Nhật Bản do các nhà máy không tuân thủ quy trình được thông qua bởi Bộ Đất đai Hạ tầng và Giao thông Vận tải Nhật Bản (MLIT). Trái phiếu hầu như không có dấu hiệu dịch chuyển mặc dù Nissan cho biết sẽ tạm dừng việc sản xuất xe tại địa phương trong khoảng 2 tuần vào ngày 19/10.

Sự thật sau bê bối lừa dối khách hàng của Nissan và Subaru: Xe vẫn đủ tiêu chuẩn - Ảnh 3.

Biến động giá cổ phiếu của Nissan trong thời điểm "nhạy cảm". Ảnh: Bloomberg.

Steve Man, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết, Nissan có thể bù đắp thiệt hại bằng việc cân đối lượng hàng hoá trong kho cho thị trường nội địa và nước ngoài, bởi những chiếc xe đều được lắp ráp trên cùng dây chuyền.

Nissan và Subaru có phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý?

Cho đến nay, cả hai hãng xe này đều không bị tố tụng như Takata hay Volkswagen AG. Thông thường, những chiếc xe đều trải qua rất nhiều giai đoạn kiểm tra sau mỗi quá trình tại dây chuyền. Trên thực tế, khả năng chiếc xe kém chất lượng "lọt" đến giai đoạn kiểm định cuối là rất thấp.

Nissan đã nhiều lần khẳng định rằng, không có vấn đề liên quan tới chất lượng xe và việc thu hồi chỉ để thực hiện đúng thủ tục pháp lý. Subaru cũng cam kết xe của họ an toàn.

Janet Lewis chia sẻ thêm: "Đây là một điều không đúng bởi các hãng xe rõ ràng phải tuân thủ theo quy định. Nhưng sự việc này không hề nói lên điều gì về chất lượng sản xuất xe của Nhật và hoàn toàn khác biệt so với bê bối thép Kobe. Nó cũng không đáng để gây ảnh hưởng lớn tới danh tiếng công ty hay chất lượng của thương hiệu."

Đây có phải một đòn đau giáng vào hai thương hiệu Nissan và Subaru?

"Tạm thời là đúng, nhưng sự việc này có lẽ sẽ bị lãng quên và mọi chuyện sẽ ổn định sớm," Steve Man cho biết. "Danh tiếng thương hiệu sẽ không bị ảnh hưởng lâu dài. Khách hàng sẽ sớm quên đi sự việc này."

Dẫu vậy, uy tín của một "ô tô Nhật Bản chất lượng" đã bị đặt dấu hỏi. Khách hàng có thể quên đi bê bối này nhưng sự đề phòng đã xuất hiện trong tâm trí mỗi người tiêu dùng. Mỗi nhà sản xuất Nhật Bản không còn cách nào khác ngoài việc thực hiện đúng quy trình để có thể trấn an các "thượng đế" của họ.