>>> Ô tô Nhật Bản mất dần niềm tin về chất lượng

Cuối tuần trước, hãng xe Subaru của Nhật thừa nhận đã cho phép các nhân viên chưa được cấp chứng nhận đủ trình độ tham gia quy trình kiểm định chất lượng xe từ năm 1979, CNN cho biết.

Trong buổi họp báo ngày 27/10, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Yasuyuki Yoshinaga của Subaru cho biết hãng này đã cho phép các nhân viên đang được đào tạo để lấy chứng nhận trên tham gia vào quy trình tại nhà máy lớn nhất của mình ở Nhật Bản.

"Chúng tôi đã thực hiện quy trình này suốt hơn 30 năm qua mà biết rằng nó không đúng với quy định của Bộ Giao thông Nhật Bản", ông Yoshinaga nói.

Sau loạt bê bối chấn động của ngành công nghiệp Nhật Bản, một hãng xe lại mới thừa nhận lừa dối khách hàng suốt 30 năm - Ảnh 1.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Yasuyuki Yoshinaga của Subaru cúi đầu xin lỗi trong họp báo.

Subaru cho biết đang cân nhắc thu hồi 255.000 xe và có thể sẽ tiêu tốn 5 tỷ Yên (44 triệu USD), Atsushi Osaki – Phó chủ tịch phụ trách kiểm soát chất lượng của hãng cho biết. Số xe bị thu hồi cũng bao gồm các mẫu được sản xuất cho Toyota.

Cổ phiếu Subaru giảm 2,6% trên sàn chứng khoán Tokyo, mức giảm mạnh nhất trong 4 tháng qua sau khi thông tin trên được công bố hôm 27/10.

Năm ngoái, Subaru xuất xưởng 727.741 xe tại Nhật, trong đó xuất khẩu 582.708 chiếc. Hiện tại, Mỹ là thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng này. Số xe bị thu hồi lần này của Subaru bao gồm các mẫu xe được sản xuất cho Toyota.

Hiện tại, chỉ khoảng 15% xe Subaru sản xuất được bán tại Nhật Bản. Ở nước ngoài, Mỹ là thị trường lớn nhất của hãng này.

Vụ việc của Subaru theo sau loạt scandal chấn động của ngành công nghiệp nổi tiếng uy tín của Nhật Bản.

Năm 2015, hãng sản xuất túi khí Takata Corp. thừa nhận đã giấu kín các lỗi kỹ thuật của sản phẩm, thậm chí sau khi túi khí của hãng này có liên quan tới hàng chục vụ tai nạn gây chết người trên thế giới. Việc này dẫn đến vụ thu hồi lớn nhất lịch sử ngành xe hơi. Cuối tháng 6 vừa rồi, công ty này đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản.

Mới đây, việc hãng thép lớn thứ 3 Nhật Bản Kobe Steel Ltd thừa nhận làm giả số liệu về độ bền của sản phẩm nhôm, thép do hãng sản xuất gây chấn động lớn bởi sản phẩm của Kobe đã được bán cho nhiều nhà sản xuất lớn, trong đó có Toyota và Boeing.

Không lâu trước vụ việc của Subaru, Nissan cũng phải thu hồi hơn 1,2 triệu xe và dừng sản xuất tại Nhật vì vi phạm tương tự. Hãng này thừa nhận đã duy trì quy trình trái quy định này từ năm 1979.