Một số ít thương hiệu ô tô sản xuất thêm mô tô hoặc xe tải hạng nặng. Số ít khác thì nhận thiết kế hoặc phát triển nhiều dòng sản phẩm cơ khí cho khách hàng ngoài. Một số ít nữa thì lại kinh doanh ở những mảng... không giống ai như... xúc xích,  du thuyền hay động cơ máy bay. Hầu hết mảng kinh doanh phụ này đều không mang lại lợi nhuận là bao so với mảng ô tô, tuy nhiên chúng tạo nên những bản sắc rất riêng cho thương hiệu của mình.

Volkswagen: Xúc xích

Ngoài ô tô, nhiều hãng xe còn có tài lẻ thế này đây - Ảnh 1.

Người Đức luôn rất nghiêm túc khi nhắc về xúc xích, rất, rất nghiêm túc. Họ có nhà máy sản xuất xúc xích lớn nhất thế giới. Xúc xích Đức cũng nổi tiếng trên toàn cầu từ rất lâu rồi, trong đó Currywurst là loại xúc xích nổi trội nhất. Volkswagen đã sản xuất Currywurst từ năm 1973 – nghĩa là trong 45 năm qua. Trong năm ngoái, họ bán ra tới 18.000 chiếc xúc xích mỗi ngày, tương đương 6,8 triệu chiếc trong cả năm – nhiều hơn cả số xe mà VW bán ra trên toàn cầu.

Volkswagen thậm chí còn có một khu vực và nhà máy riêng với đội ngũ 30 nhân viên chỉ chuyên sản xuất xúc xích tại Wolfsburg. Xúc xích Volkswagen vốn chỉ dành cho căng tin hãng xưa kia nay đã trở thành món ăn phổ biến tại Đức, xuất hiện ở hầu hết các siêu thị tại đây và thậm chí còn là quà khuyến mãi "tiêu chuẩn" dành tặng cho khách hàng khi mua xe VW.

Porsche: Mật ong

Ngoài ô tô, nhiều hãng xe còn có tài lẻ thế này đây - Ảnh 2.

Trong năm 2017, để đảm bảo thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái nước Đức – quê nhà của mình, Porsche đã thành lập một trang trại nuôi ong lấy mật tại khu đất tự nhiên rộng 132 héc-ta mà họ hay gọi vui là "bãi thử off-road" đặt tại Leipzig.

Những tổ ong trong trang trại hiện là ngôi nhà của hơn 1,5 triệu chú ong và trong năm ngoái đã sản xuất được hơn 400 kg mật ong. Được bày bán dưới tên thương hiệu Turbienchen, chúng... biến mất ngoài thị trường có thể nói chỉ trong nháy mắt dưới sự săn lùng gắt gao của các fan thương hiệu xe thể thao danh tiếng này.

Khu đất rộng 132 héc-ta của Porsche mà hãng dùng làm nơi thử xe off-road cũng là một hệ sinh thái tự nhiên cực kỳ đa dạng với nhiều loại động vật và côn trùng sinh sống tại đây, trong đó có cả các loài động vật có vú cỡ lớn như ngựa hoang hay bò rừng châu Âu. Ý tưởng tạo nên một khu vực tự nhiên của Porsche được nung nấu và thực hiện từ năm 2012 và tới giờ vẫn là ý tưởng độc nhất vô nhị, chưa hãng xe nào khác thực hiện được.

Peugeot: Máy xay hạt tiêu

Ngoài ô tô, nhiều hãng xe còn có tài lẻ thế này đây - Ảnh 3.

PSP Peugeot SAS là tên công ty còn Peugeot Saveurs là tên thương hiệu máy xay hạt tiêu của Peugeot  - hãng xe đang thuộc quyền sở hữu của tập đoàn PSA. Không chỉ hạt tiêu, Peugeot Saveurs còn chế tạo máy xay muối, ớt, hạt nhục đậu khấu và hạt cafe bên cạnh các phụ kiện trong ngành rượu vang như ly hay mở nắp chai.

Honda: Máy cắt cỏ

Ngoài ô tô, nhiều hãng xe còn có tài lẻ thế này đây - Ảnh 4.

Các hãng xe Nhật Bản gần như ai cũng có "tài lẻ" của riêng mình. Yamaha thì sản xuất mọi loại thiết bị điện tử từ mô tô tới... đàn piano. Còn về phần Honda, họ sản xuất mô tô, động cơ tàu thủy, robot nhân tạo hay thậm chí cả máy bay. Danh sách các thiết bị mà Honda chế tạo được cũng không hề ít từ máy phát điện, máy thổi tuyết cho tới máy cắt cỏ. Các thiết bị Honda cũng có độ phủ trên toàn cầu chứ không riêng gì tại Nhật khi chỉ vừa vài năm trước họ đã cán mốc 40 triệu sản phẩm bán ra tại Mỹ từ khi lấn sân sang mảng thiết bị điện tử tại đây vào năm 1973.

Toyota: Du thuyền

Ngoài ô tô, nhiều hãng xe còn có tài lẻ thế này đây - Ảnh 5.

Không như Honda, Toyota dồn sự tập trung của mình vào mảng xe là chính với chỉ 1 ngoại lệ duy nhất: Du thuyền. Toyota Marine hiện có cho mình 3 dòng du thuyền khác nhau với chung tên mã Ponam và chỉ được bán ra tại Nhật Bản.

Tesla: Tấm lợp năng lượng mặt trời

Ngoài ô tô, nhiều hãng xe còn có tài lẻ thế này đây - Ảnh 6.

Trong năm 2017 vừa qua Tesla đã bỏ cụm "Motors" trong tên chính thức của mình nhằm thể hiện rõ thái độ "lấn sân" sang các mảng khác. Tesla hiện sản xuất ắc quy công nghiệp lẫn gia dụng (Powerwall) và tấm lợp năng lượng mặt trời (SolarCity).

Lamborghini: Xe đầu kéo

Ngoài ô tô, nhiều hãng xe còn có tài lẻ thế này đây - Ảnh 7.

Chính xác thì Lamborghini sản xuất xe đầu kéo trước khi bước chân vào phân khúc siêu xe với thường hiệu Lamborghini Trattori vào năm 1948 trong khi Automobili Lamborghini phải tới năm 1963 mới ra đời. Sau một thập kỷ vận hành cả 2, ông Ferruccio Lamborghini bán lại mảng xe đầu kéo cho tập đoàn SDF và hiện họ vẫn đang sản xuất loại xe này dưới cái tên Lamborghini cùng logo chính hãng.

Bentley: Đồ nội thất

Ngoài ô tô, nhiều hãng xe còn có tài lẻ thế này đây - Ảnh 8.

Thông thường Bentley sản xuất và bán ra khoảng 11.000 xe siêu sang mỗi năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn đại khủng hoảng với đỉnh điểm là cột mốc 2009, hãng chỉ đạt doanh số 3.600 chiếc – không bằng một nửa so với năm trước đó. Để tránh "nhàn rỗi sinh nông nổi", các thợ thủ công lành nghề của Bentley tại Crewe bắt đầu chế tạo đồ nội thất với tiêu chuẩn cao không kém nội thất xe sang mà họ chế tạo. Ghế sofa, ghế tựa, bàn, giường ngủ... được hãng chế tạo và bán ra khá đắt hàng. Giờ, khi doanh số Bentley đã đều đặn và tăng cao hơn bao giờ hết, thương hiệu Anh buộc phải hợp tác với tập đoàn Luxury Living Group để duy trì mảng này.

Rolls-Royce: Động cơ máy bay

Ngoài ô tô, nhiều hãng xe còn có tài lẻ thế này đây - Ảnh 9.

Rolls-Royce Holdings – phân nhánh hàng không của Rolls-Royce là một trong những nhà sản xuất động cơ máy bay lớn nhất trên thế giới. Trước đây cả 2 cùng chung một chủ trước khi mảng xe bị tách ra vào năm 1973 và bán lại cho Vickers vào năm 1980 trước khi được chuyển tới tay BMW như bây giờ.

Tham khảo: Motor1