Startup Israel, từng được Intel mua lại với mức giá kỷ lục 15,3 tỷ USD vào năm 2017, đang bày tỏ ý định hợp tác với các hãng xe hơi Việt Nam. Một số hệ thống theo dõi khoảng cách và cảnh báo va chạm của Mobileye đang được thử nghiệm tại một số doanh nghiệp ô tô trong nước, trước khi các bên có những thỏa thuận chính thức.
Đại diện công ty Mobileye cho biết, hãng đã có cuộc trao đổi với VinFast tại nhà máy lắp ráp ô tô ở Hải Phòng trong đầu tháng 12/2018. Cuộc tiếp xúc với phía VinFast nhằm hợp tác, tích hợp các thiết bị thông minh của Mobileye trên các xe ô tô mang thương hiệu Việt Nam.
Theo đại diện Mobileye, có nhiều tín hiệu rất tích cực trong cuộc làm việc giữa hãng này với VinFast. Các lãnh đạo VinFast là những người nhiều năm làm việc tại GM, BMW và tỏ ra "biết rất rõ" về Mobileye. Sau cuộc tiếp xúc, thảo luận, hai bên đã đồng ý tăng tốc hợp tác trong thời gian tới.
Ông Amer Subhi, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Mobileye cho rằng, công nghệ cần được sử dụng nhiều hơn để cải thiện tình trạng giao thông, ngăn chặn tai nạn. Tại Việt Nam, xe đạp, xe máy và ô tô cùng lưu thông trên một con đường, buộc người lái xe phải luôn chú ý cao độ vào các diễn biến giao thông. Tuy nhiên, tài xế thường mất tập trung, sử dụng điện thoại thông minh khi lái xe,… dẫn tới tai nạn.
Một phần của hệ thống theo dõi khoảng cách và cảnh báo đâm va tích hợp trên xe buýt.
Hiện tại, hệ thống theo dõi khoảng cách và cảnh báo va chạm của Mobieye đang được thử nghiệm tại nhà máy Thaco Bus (thuộc công ty ô tô Trường Hải) và Samco. Những xe đang lưu hành có tích hợp sẵn hệ thống cảnh báo va chạm trên thị trường đều mang thương hiệu của các hãng ô tô hàng đầu thế giới.
Mức giá cao của những chiếc xe có tích hợp sẵn hệ thống an toàn này khiến cho nhiều lái xe chưa thể tiếp cận. Trong khi đó, nhiều lái xe đang sử dụng các loại xe phổ thông chưa hiểu hết mức độ cần thiết của những hệ thống hỗ trợ người lái để tự trang bị thêm cho xe ô tô.
"Khi đi trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tôi thấy các xe lắp đặt hệ thống giám sát hành trình. Lái xe nói rằng việc ghi lại mọi thứ diễn ra có thể giúp họ chứng minh mình không vi phạm luật giao thông trong các vụ tai nạn. Tôi đã hỏi tại sao họ làm như vậy. Yếu tố con người là nguyên nhân lớn dẫn tới hầu hết các vụ tai nạn. Vì thế cần phải lắp đặt hệ thống giúp tài xế không mắc lỗi, ngăn chặn các vụ tai nạn diễn ra" – ông Amer Subhi nói.
Hệ thống theo dõi khoảng cách có ý nghĩa như thế nào trong cải thiện tình hình giao thông?
Tên gọi Mobileye rất nổi tiếng trong cộng đồng startup thế giới. Sự kiện Mobileye được Intel mua lại với mức giá kỷ lục 15,3 tỷ USD vào năm 2017 cũng thường được startup Việt Nam nêu lên như một hình mẫu khởi nghiệp thành công. Các công nghệ tiên phong về xe tự lái mà Mobieye nắm giữ chính là lý do khiến startup này trở thành một đối tác quan trọng của các hãng xe hàng đầu thế giới.
Hệ thống gắn trên xe của Mobileye gồm các camera, cảm biến và chip điện tử. Chúng hoạt động như "con mắt thứ ba" của người tài xế, giúp giám sát liên tục khoảng cách với xe phía trước, các điểm mù. Khi khoảng cách giảm xuống, hoặc xe chệch làn đường, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo bằng hình ảnh và âm thanh để hối thúc người lái xe phản ứng, ngăn chặn va chạm (nếu có) sớm 2,7 giây.
Con số 2,7 giây có ý nghĩa rất lớn trong cảnh báo va chạm. Theo các nghiên cứu, người lái xe thường mất trung bình 3 giây để phản ứng với các tình huống giao thông phía trước. 93% vụ tai nạn xe là do yếu tố con người. Trong đó, 80% người lái không chú ý khi lái xe chỉ trong 3 giây. Do đó, các lái xe đều được học về "quy tắc 3 giây" trong điều khiển phương tiện. Một hệ thống cảnh báo sớm gần tới 3 giây rất có ý nghĩa với lái xe. Tại Israel, các xe có trọng tải trên 3 tấn đều phải gắn hệ thống cảnh báo va chạm theo quy định của Chính phủ nước này.
Hệ thống của Mobileye được gắn trên kính lái của xe du lịch.
"Trong hệ thống cảnh báo có một con chip xử lý, nó giống với trí thông minh của não người. Chúng tôi đã phát triển bộ não này, ứng dụng công nghệ thị lực nhân tạo trong việc phân tích môi trường lái xe. Việc này nhằm giảm thiểu báo động sai nhờ khả năng phân biệt con người, xe đạp, xe máy, ô tô,… với vật vô tri vô giác và bỏ qua những đối tượng đang lưu thông trong khu vực an toàn" – ông Amer Subhi giải thích.
Không chỉ cảnh báo đâm va kịp thời cho tài xế, việc tổng hợp dữ liệu về hành vi lái xe còn giúp lái xe hiểu bản thân hơn và có cách lái xe thoải mái, tiết giảm tiêu hao nhiên liệu. Đối với thành phố thông minh, dữ liệu từ các phương tiện là cơ sở để khảo sát hệ thống tín hiệu, biển báo giao thông, phát hiện các mối nguy hiểm trên đường và những vấn đề về cơ sở hạ tầng.
Mobileye cũng đang là nhà cung cấp hệ thống theo dõi khoảng cách và cảnh báo đâm va cho hơn 25 hãng xe hơi hàng đầu thế giới như BMW, VolksWagen group, General Motor, Nissan,… Có khoảng 20 triệu chiếc xe đang lưu hành trên toàn thế giới sử dụng hệ thống thông minh của Mobileye.