Kể từ khi đưa ra quyết định gây tranh cãi này, Ford đã bị giới chuyên môn cũng như chính người tiêu dùng của họ chỉ trích rất nhiều khi tự thu hẹp thị phần bản thân và để mất đi một số lượng khách hàng sẵn có cũng như khách hàng tiềm năng không hề nhỏ. Tuy nhiên, giới chức lãnh đạo của tập đoàn Mỹ không hề có ý định thay đổi kế hoạch đã công bố.

Theo CEO Ford ông Jim Hackett, các dòng sedan hoàn toàn không sinh đủ lời cho hãng, buộc họ phải đưa ra quyết định "đẩy mạnh các mảng làm ăn mang lại lợi nhuận và đưa ra quyết định quyết đoán, chính xác với những mẫu xe gây lỗ"

Một số mảng hoạt động không hiệu quả của tập đoàn Ford hiện tại có thể kể đến là một vài phân nhánh quốc tế cùng hầu hết các dòng xe Lincoln hiện giờ. Theo tính toán của hãng, cắt giảm chi tiêu cho những đối tượng nói trên có thể giúp họ tiết kiệm hơn 25 tỉ USD từ nay tới 2022.

Lãnh đạo Ford bảo vệ hành động khai tử mọi dòng xe không sinh lãi - Ảnh 1.

Chỉ một số ít dòng xe sinh lãi được giữ lại, trong đó dẫn đầu là F-Series.

Số liệu được Ford công bố cho thấy các mảng "có lời" của họ mang lại lợi nhuận hơn 3 tỉ USD trong quý I/2018, trong khi việc ngưng bán xe du lịch ở Bắc Mỹ được các chuyên gia thị trường tính toán khiến họ mất đi chỉ 800 triệu USD mỗi năm.

Theo ông Jim Farley, Chủ tịch Ford phụ trách mảng thị trường toàn cầu, việc khai tử một số dòng xe họ đang làm tương đồng với những gì đã thực hiện vào thời điểm giá xăng tăng phi mã trong lịch sử nhưng kết quả sẽ không giống nhau. Lần thực hiện trước đây đã gần như khiến nền công nghiệp ô tô tại Mỹ sụp đổ. Theo ông, việc đẩy mạnh các dòng xe đa dụng và loại bỏ sedan đi theo đúng xu thế thị trường thay vì "ngược dòng" như trước.

Tham khảo: MotorTrend