Aston Martin 7 lần phá sản trong 100 năm đầu tiên. Lamborghini phải đổi chủ hết lần này đến lần khác trước khi "định cư" dưới tay Volkswagen như hiện tại. Bentley gần như đã biến mất khi còn thuộc sở hữu dưới tay Rolls-Royce vì chiến lược không đúng đắn.

Giờ đây, thời thế đã đổi thay. Các hãng siêu xe châu Âu đang ở trạng thái tốt hơn bao giờ hết mà nguyên nhân chính, theo CEO Aston Martin Andy Palmer chia sẻ với tờ Autonews, là do "người giàu ngày càng giàu hơn, số người giàu cũng đang tăng mạnh".

Tốc độ tăng trưởng doanh số ở 2 phân khúc xe sang và siêu sang đang ở ngưỡng... đáng báo động vì quá nhanh. Hồi năm 2002, tổng doanh số toàn cầu của Aston Martin, Bentley, McLaren, Rolls-Royce, Ferrari và Lamborghini chỉ vỏn vẹn 6.475 xe. Trong năm ngoái, con số đó là 29.554 – gấp hơn 4 lần, đồng thời McLaren, Ferrari và Lamborghini đều đạt kỷ lục doanh số mới. 

Giới đã giàu nay còn giàu hơn, xe siêu sang yên tâm sản xuất, không sợ ế - Ảnh 1.

Doanh số các dòng xe siêu sang đang ngày một tăng cao dù giá chúng chỉ có tăng chứ không có giảm.

Aston Martin, McLaren, Bentley và Ferrari cũng đều đạt được lợi nhuận, trong đó Ferrari đạt tỉ lệ lợi nhuận trên doanh thu kỷ lục ở mức 30,1%. Rolls-Royce dù không công bố cụ thể báo cáo tài chính nhưng tập đoàn mẹ BMW cũng cho biết họ thu được "lợi nhuận cao".

Cũng theo vị lãnh đạo Aston Martin, khách hàng nhiều hơn không có nghĩa họ được quyền chủ quan mà ngược lại phải tìm được đường lối lôi kéo nhiều khách hàng về với mình hơn nữa. Thời ông mới lên nắm quyền (2014), Aston Martin thậm chí còn không có bộ phận lên kế hoạch cụ thể, khiến Andy phải vắt óc suy nghĩ và phân tích đối tượng khách hàng mà hãng xe Anh nhắm đến. Kết quả là chất và lượng xe Aston Martin lắp ráp từ thời điểm đó đã đổi khác so với giai đoạn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, vị CEO cũng thừa nhận tăng trưởng ở phân khúc này không thể kéo dài mãi mãi bởi các hãng xe siêu sang phải giữ lại nét độc và hiếm của mình nếu không muốn hình ảnh thương hiệu mất giá.

Tham khảo: Autonews