Li Shufu sinh năm 1963 tại Thai Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông xuất thân từ một làng chuyên làm nghề nông, nơi mà chiếc ô tô trở thành một giấc mơ quá đỗi xa xỉ. Quá mê ô tô, Li Shufu khi lên 10 tuổi đã tự làm mô hình từ cát dựa theo một chiếc xe mang nhãn hiệu Hồng Kỳ (Hongqi).

Vượt qua hoàn cảnh nghèo khó, Li Shufu đã đậu đại học và hoàn thành chương trình cử nhân về kỹ thuật tại Đại học Bách khoa Harbin ở tuổi 23. Sau đó, ông Li tiếp tục học lên thạc sỹ cơ khí tại Đại học Yanshan.

Khởi nghiệp từ khi còn nhỏ

Ngay từ khi còn là học sinh, Li Shufu đã muốn nhảy vào lĩnh vực nhiếp ảnh. Với số tiền tương đương khoảng 16 USD được người cha hỗ trợ vào năm 1980, ông quyết định đầu tư thiết bị để hành nghề. Không may, khoản vốn ít ỏi khiến Li không thể mua được chiếc máy tốt.

Động lực khi đó thôi thúc Li tự chế chiếc máy ảnh riêng với đầy đủ thiết bị ánh sáng để sử dụng cho studio của mình.

Dấn thân vào thương trường bằng những chiếc tủ lạnh

Bằng những gì học được từ trường kỹ thuật, Li sau khi tốt nghiệp đại học đã bắt đầu chế tạo linh kiện tủ lạnh. Không lâu sau, những chiếc tủ lạnh hoàn chỉnh đầu tiên ra đời với tên gọi Arctic Flower.

Tuy nhiên, quá nhiều đối thủ nhảy vào sân chơi này khiến Li phải lên kế hoạch khác. Ông thành lập công ty riêng mang tên Geely (nghĩa là "may mắn"). Lại một lần nữa không may trong hành trình khởi nghiệp, khủng hoảng kinh tế và chính trị năm 1989 tại Trung Quốc khiến ông phải nhượng lại doanh nghiệp cho chính phủ để tiếp tục theo học cao hơn.

Từ xe máy…

Sau nhiều nghiên cứu, Li quyết định chuyển sang lĩnh vực khác để làm giàu. Ông làm xe máy vào năm 1993. Mặc dù thời gian đầu khá thành công, mảng xe máy dần suy yếu bởi sự xuất hiện của nhiều công ty mới cạnh tranh.

Chân dung tỷ phú Trung Quốc vừa trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty mẹ Mercedes-Benz - Ảnh 1.

Một chiếc xe máy của Geely. Ảnh: JK.

Cho đến nay, Geely vẫn tiếp tục duy trì mảng xe máy, với hơn 130 mẫu xe, dung tích xy-lanh từ 50 đến 250 cc. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 600.000 chiếc.

Mỗi chiếc xe mà Li sản xuất thời đó có chi phí bằng một nửa chiếc xe Nhật tương đương. Vị CEO trẻ đã xuất khẩu thành công xe máy ra 22 quốc gia khác.

…đến ô tô

Ô tô mới là lĩnh vực tạo nên tiếng vang lớn cho Li Shufu và công ty Geely của ông. Thời gian đầu tiên bao giờ cũng là lúc khó khăn nhất bởi thiếu vốn và mối quan hệ. Trong khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác đều có cổ phần của chính phủ, Li Shufu lại không thể tạo được mối quan hệ này nên không được cấp phép làm ô tô.

Giải pháp của ông Li khi đó là tìm kiếm một công ty ô tô đang làm ăn không mấy khấm khá, sau đó mua lại và tận dụng để sản xuất xe cho riêng mình từ năm 1997.

Bằng nhiều nỗ lực, Li và các cộng sự muốn vươn tầm ra tầm các cường quốc trên thế giới. Đến tháng 1/2006, Geely trở thành hãng xe đầu tiên tại Trung Quốc tham gia triển lãm ô tô Detroit tại Mỹ nhưng lại nhanh chóng trở nên nhạt nhoà.

Sự thành công lớn bắt đầu khi Geely quyết định mua lại Volvo từ tay Ford vào năm 2010. Rất nhiều người hoài nghi về hành động của ông Li, bởi Volvo khi đó đang rất yếu thế về doanh thu và không có động thái phát triển.

Chân dung tỷ phú Trung Quốc vừa trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty mẹ Mercedes-Benz - Ảnh 2.

Thương vụ với Volvo càng đẩy danh tiếng Geely lên tầm cao mới. Ảnh: Bloomberg.

Và rồi, chính Li Shufu đã vực dậy Volvo. Những chiếc Volvo bắt đầu trở nên đột phá với thiết kế và nhiều công nghệ an toàn hàng đầu phân khúc. Các công nghệ động cơ điện và tự lái đang được áp dụng nghiên cứu và phát triển trên những chiếc Volvo đời mới.

Sau thành công đó, Geely tiếp tục mở thêm thương hiệu riêng mang tên Lynk & Co với tham vọng đánh vào thị trường Mỹ, mua lại công ty sản xuất taxi nổi tiếng tại London (Anh), sở hữu số cổ phần lớn của Proton (Malaysia), Lotus (Anh) và sau đó là xe tải Volvo, rồi mua lại startup của Mỹ để sản xuất ô tô bay trong tương lai…

Chân dung tỷ phú Trung Quốc vừa trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty mẹ Mercedes-Benz - Ảnh 3.

Geely đang nắm nhiều cổ phần của các hãng ô tô lớn trong tay. Ảnh: Autonews.

Tiếng tăm của Geely và vị CEO Li Shufu tiếp tục vang danh thế giới sau thương vụ khoảng 9 tỷ USD với Daimler - tập đoàn mẹ sở hữu Mercedes-Benz. Đây là một vụ đầu tư khá khó khăn với Geely, khi mà Daimler liên tục chối từ.

Trước đó, Geely chỉ muốn nắm khoảng 5% cổ phần nhưng Daimler từ chối lời đề nghị. Chỉ sau hơn nửa tháng, hãng xe Trung Quốc đã thành công. Không chỉ dừng ở con số 5%, Geely đã có trong tay 9,69% cổ phần của Daimler.

Khoản đầu tư mới sẽ giúp Geely có nhiều thế mạnh hơn khi cạnh tranh với các ông lớn khác trong cả ngành ô tô và các công ty công nghệ danh tiếng tại thung lung Silicon, đặc biệt khi Daimler đang đầu tư khá nhiều tiền phát triển xe điện và các công nghệ mới.