Sau màn đào thoát ngoạn mục khỏi Nhật Bản, cựu lãnh đạo Renault – Nissan Carlos Ghosn đã có buổi họp báo tại Lebanon thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu. Mục tiêu của buổi họp báo, theo ông, là để chứng minh sự trong sạch của mình, rằng các cáo buộc của Nhật Bản lẫn Nissan là "vô căn cứ" và việc ông bị bắt giam là hành động có ý đồ.

Quan điểm của Carlos Ghosn rất rõ ràng: giới chức Nhật Bản đã bắt tay với Nissan để loại bỏ ông khỏi vị trí cầm quyền. Ghosn cho biết ông sẵn sàng công khai tất cả các văn bản có liên quan để chứng minh mình vô tội (một số đã được công khai tại buổi họp báo đầu tiên) và công lý – thứ mà ông cho rằng Nhật Bản cố tình bỏ qua, sẽ được thực thi tại tòa án các nước khác.

Về nguyên nhân mình bị Nissan loại bỏ, Ghosn cho rằng các quan chức cấp cao của thương hiệu này cảm thấy bị đe dọa bởi đối tác Renault, sợ rằng thương hiệu Pháp sẽ yêu cầu 2 bên sáp nhập hoàn chỉnh thay vì chỉ dừng lại ở mức liên minh như hiện tại. "Không có sự tin tưởng, một vài người ‘bạn’ cho rằng cách duy nhất để loại bỏ ảnh hưởng của Renault tới hệ thống lãnh đạo Nissan là loại bỏ tôi", ông phát biểu.

Carlos Ghosn và cuộc chiến với Nissan sẽ còn tốn nhiều giấy mực của truyền thông toàn cầu

Nói thêm về vấn đề này, Ghosn cũng khẳng định mình chưa bao giờ có ý đẩy quá giới hạn 2 bên như phía một số lãnh đạo Nissan lo ngại, ông muốn 2 bên có quyền độc lập để ra quyết định nhanh chóng, thích nghi tốt hơn với thay đổi từ bên ngoài.

Bên cạnh các cáo buộc được cho là "vô căn cứ", Ghosn cũng khẳng định ông đã bị đối xử tàn bạo bởi giới cầm quyền Nhật Bản, vi phạm những quyền cơ bản nhất của con người. Vị lãnh đạo cho biết ông không được tiếp xúc với người thân, bị tra khảo 8 tiếng liên tục rất thường xuyên mà không được trợ giúp bởi luật sư với hy vọng tìm ra được thông tin bất lợi.

Tuy vậy, việc chính phủ Nhật không thể đưa ra cáo trạng cụ thể về tội mà Carlos Ghosn mắc phải sau quá trình điều tra kéo dài một năm là, theo vị lãnh đạo, một phần minh chứng cho thấy tất cả chỉ là thứ mà Nissan vẽ ra để trừ khử ông khỏi vị trí quyền lực nhất. Hành động chạy trốn của Ghosn được lý giải như biện pháp tự vệ khỏi những bất công khi ông còn có thể bị giam giữ thêm 5 năm nữa trước khi phiên tòa xét xử tại Nhật được tổ chức và kết luận cuối cùng được đưa ra.

"Tôi cảm thấy mình như một con tin tại quốc gia tôi đã phục vụ 17 năm qua", Ghosn chốt lại.

Tham khảo: AP, Bloomberg

Carlos Ghosn khẩu chiến với cả Nissan và Nhật Bản, cho biết bị đối xử tàn bạo và bất công - Ảnh 2.