Hóa ra tất cả những gì cần thiết để đánh lừa hệ thống camera của xe điện Tesla là một cuộn băng dính nhỏ.
Hai nhà nghiên cứu về bảo mật của McAfee là Steve Povolny và Shivangee Trivingi đã tìm ra cách đánh lừa hệ thống camera của xe Teslas. Họ đã dán một mẩu băng dính đen dài 2 inch (khoảng 5 cm) lên biển báo tốc độ 35 dặm/giờ, ở vị trí giữa số 3.
Mục đích của họ là kiểm tra xem hệ thống camera của xe Tesla có đọc nhầm biển báo và tự tăng tốc vượt quá giới hạn tốc độ hay không.
Biển báo bị chỉnh sửa trong nghiên cứu, với phần băng dính được thêm vào.
Sau đó, họ lái chiếc Tesla Model X 2016 về phía biển báo và bật tính năng điều khiển tự lái. Hệ thống kiểm soát hành trình là một tính năng quan trọng của hệ thống tự lái của Tesla, được cho là có thể kiểm soát tốc độ của xe và giữ khoảng cách an toàn với xe đi phía trước.
Khi chiếc xe đến gần biển báo bị thay đổi, nó đã đọc nhầm con số 35 thành 85 dặm/giờ và bắt đầu tăng tốc thêm 50 dặm/giờ.
Điều tương tự cũng xảy ra với một mẫu xe dòng S của Tesla.
Tesla đọc nhầm bảng thông báo tốc độ giới hạn.
Hai nhà nghiên cứu sau đó đã công bố thông tin cho Tesla và MobilEye EyeQ3 - công ty cung cấp hệ thống cảnh báo va chạm cho các mẫu Tesla 2016 vào năm ngoái. Tesla đã không đưa ra phản hồi gì về nghiên cứu này, nhưng nói rằng họ sẽ không khắc phục các vấn đề mà các nhà nghiên cứu của McAfee phát hiện ra.
Còn MobilEye EyeQ3 thì bác bỏ nghiên cứu này.
Một đại diện công ty nói rằng dấu hiệu sửa đổi có thể cũng sẽ bị chính con người đọc sai và nói rằng hệ thống camera không được thiết kế để hỗ trợ tự lái hoàn toàn. Người này cho biết hệ thống sẽ sử dụng nhiều công nghệ, bao gồm "lập bản đồ đám đông" để hỗ trợ các máy ảnh.
Hệ thống camera trên một số xe đã nhận diện nhầm con số tốc độ giới hạn.
Các mẫu mới hơn của xe điện Tesla hiện sử dụng hệ thống camera độc quyền và MobilEye EyeQ3 đã phát hành các phiên bản camera mới hơn. Các nhà nghiên cứu của McAfee đã thử nghiệm và cho biết nó không bị đánh lừa bởi dấu hiệu sửa đổi. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều xe Tesla phiên bản 2016 vẫn đang lưu hành trên đường.
"Chúng tôi không cố gắng gieo rắc nỗi sợ hãi và nói rằng nếu bạn lái chiếc xe này, nó sẽ tăng tốc vượt qua một giới hạn tốc độ nào đó", nhà nghiên cứu Povolny nói. "Lý do chúng tôi thực hiện nghiên cứu này là cố gắng nâng cao nhận thức cho cả người tiêu dùng và nhà cung cấp về các loại lỗ hổng có thể xảy ra."
Sự an toàn của các hệ thống lái tự động trên xe điện Tesla đang được nhiều bên xem xét kỹ lưỡng. Năm ngoái, cơ quan an toàn giao thông trên đường cao tốc của Mỹ đã mở một cuộc điều tra liên bang về 2 vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan tới xe điện Tesla, những trường hợp mà trong đó đã xác định chế độ lái tự động đã được kích hoạt.
Bản thân Tesla cũng đang bị kiện bởi vợ của Walter Huang, một kỹ sư làm việc tại Apple, người đã qua đời khi chiếc Tesla của anh đâm vào hàng rào trên đường cao tốc, ở chế độ lái tự động. Theo vợ của Huang, chồng bà đã phàn nàn về chế độ lái tự động của chiếc Tesla nhiều lần trước đó.
Chiếc Model X của Walter Huang đã bị tai nạn vào ngày 23/3/2018, tại Mountain View, California, Mỹ.
Hiện tại, Tesla vẫn nhấn mạnh rằng chế độ lái tự động trên sản phẩm của mình không có nghĩa là người lái nên để chiếc xe hoàn toàn tự chủ, mà các tài xế phải luôn giữ tay trên vô lăng. Nhưng CEO Elon Musk khẳng định rằng ông dự định sẽ khiến xe Tesla trở nên có thể hoàn toàn tự lái trong tương lai gần.
Năm ngoái, tỷ phú công nghệ này tuyên bố công ty sẽ có một chiếc xe "tính năng tự lái một cách hoàn toàn" vào cuối năm 2019. Ông sau đó đã buộc phải lùi kế hoạch công bố tính năng này mới đây, đồng thời không đưa ra mốc thời gian cụ thể nữa.
"Trông giống như là chúng ta có thể hoàn thiện tính năng này trong một vài tháng nữa", Musk chia sẻ trong một cuộc họp hồi đầu năm nay.
Tham khảo Business Insider