Bước ngoặt của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 được tạo nên bởi chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước...
Chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ xe lắp ráp trong nước giống như một cú "bẻ lái" giúp thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 rẽ hướng và tăng tốc.
Sức mua ô tô đang tăng tốc mạnh mẽ giai đoạn cuối năm 2020.
LÁCH QUA COVID-19
Cuộc giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 trong tháng 4/2020 đã khiến cho thị trường ô tô Việt Nam gần như chững lại. Thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường tháng 4/2020 chỉ đạt 11.761 chiếc, giảm đến 39% so với tháng trước đó và giảm 44% so với cùng kỳ năm 2019.
Bước sang tháng 5/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu được khống chế, việc giãn cách xã hội theo đó cũng được dỡ bỏ. Và gần như lập tức, sức mua ô tô tăng trở lại.
Cũng theo báo cáo của VAMA, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường tháng 5/2020 đạt 19.081 chiếc, tăng 62% so với tháng 4 mặc dù vẫn thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 6/2020, sức mua ô tô tiếp tục hồi phục khi có 24.002 xe ô tô bán ra thị trường, tăng 26% so với tháng 5 và giảm 13% so với cùng kỳ 2019.
Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã gây nên những ảnh hưởng nặng nề đến ngành ô tô Việt Nam. Bởi vậy, nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, qua đó góp phần kích thích nền kinh tế, ngày 28/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP trong đó quy định hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với các loại ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (xe CKD). Chính sách hỗ trợ kéo dài cho đến hết ngày 31/12/2020.
Đối với mặt hàng ô tô tại Việt Nam, trước bạ là khoản lệ phí có giá trị rất lớn. Với tỷ lệ thu lệ phí trước bạ 10-12% tùy từng địa phương, số tiền người tiêu dùng chi ra khi đăng ký lưu hành một chiếc xe mới sẽ từ khoảng 40 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Do đó, việc được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đương nhiên sẽ có tác động rất lớn đến sức mua ô tô trên thị trường.
Một con số thống kê của Bộ Tài chính cũng đã cho thấy rõ "giá trị" của lệ phí trước bạ ô tô. Cụ thể, trong văn bản đề nghị không kéo dài chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ xe CKD, Bộ Tài chính cho biết nguồn thu ngân sách từ lệ phí trước bạ ô tô sau gần 4 tháng Nghị định 70 có hiệu lực đã hụt hơn 3.700 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, phải đến tháng 9/2020, hiệu ứng tích cực từ chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của Chính phủ mới thực sự thấy rõ. Trong tháng 7 và tháng 8, sức mua ô tô trên thị trường vẫn khá èo uột.
Giới kinh doanh ô tô nhận định, hiện tượng sức mua ô tô chưa tăng mạnh ngay sau khi các loại xe CKD được hỗ trợ lệ phí trước bạ là bởi khi ấy, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa chuẩn bị được nguồn cung. Lý do là trước đó, dịch Covid-19 đã đẩy các doanh nghiệp vào tình thế ngừng trệ hầu hết các hoạt động, linh kiện phục vụ lắp ráp không có, kế hoạch sản phẩm phải "cất vào tủ"…
Từ tháng 9/2020, khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ bắt đầu "ngấm" và các doanh nghiệp phần nào chủ động được nguồn cung, sức mua ô tô bắt đầu bứt tốc với tỷ lệ tăng trưởng đáng kể khi so sánh tháng sau so với tháng liền kề trước đó.
Cụ thể, lượng xe ô tô bán ra thị trường tháng 9/2020 đạt 27.252 chiếc, tăng tăng 32% so với tháng 8; tháng 10/2020 đạt 33.254 chiếc, tăng 22% so với tháng 9; tháng 11/2020 đạt 36.359 chiếc, nhích thêm 9% so với tháng 10.
CƠ HỘI MUA XE GIÁ TỐT CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG
Sau khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của Chính phủ được thi hành, có thể thấy sản lượng bán hàng của các loại xe ô tô CKD hồi phục rõ rệt, tỷ lệ tăng trưởng luôn cao hơn so với các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU).
Tuy nhiên, do chỉ các loại xe CKD được hỗ trợ lệ phí trước bạ đã khiến thị trường ô tô rơi vào trạng thái mất cân bằng. Các loại xe CBU trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh với xe CKD mặc dù trên thực tế, hai nhóm mặt hàng ô tô này hầu như không cạnh tranh trực tiếp với nhau.
Việc các loại xe CKD được hỗ trợ một nửa lệ phí trước bạ đã đẩy các hãng xe nhập khẩu và ngay trong các liên doanh vào tình thế buộc phải "móc túi" trợ giá các loại xe CBU.
Động thái này đã tạo nên một cuộc đua giảm giá, kích cầu chưa từng có tại thị trường ô tô Việt Nam, kể cả so sánh với năm 2017 khi thị trường rơi vào ảm đảm do tâm lý chờ xe nhập khẩu thuế 0% từ các nước Đông Nam Á.
Đối với những loại xe được hỗ trợ từ chính sách, các hãng xe thậm chí "tặng" thêm 50% lệ phí trước bạ còn lại. Chưa kể, nhằm đảm bảo doanh thu, hệ thống các đại lý cũng giảm giá bán trực tiếp thêm cho người tiêu dùng.
Trong giai đoạn từ tháng 9/2020 đến nay, hầu hết các loại xe ô tô trên thị trường đều được hỗ trợ trước bạ, giảm giá hoặc quà tặng có giá trị tương đương từ 50-100% số tiền người tiêu dùng lẽ ra phải nộp lệ phí trước bạ.
Cuộc đua kích cầu thậm chí lan sang cả các phân khúc ô tô hạng sang khi cá biệt có những mẫu xe như BMW X7 hay Land Rover Vogue được giảm giá cao nhất gần 900 triệu đồng.
Thời điểm này, thị trường ô tô Việt Nam đang ở trạng thái "chạy nước rút". Khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của Chính phủ sắp hết hiệu lực và mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị không kéo dài chính sách hỗ trợ đối với ô tô CKD , người tiêu dùng đang có tâm lý tranh thủ mua xe.
Trên thực tế, đây chính là cơ hội để người tiêu dùng có thể mua được xe ô tô với chi phí thấp nhất trước khi lệ phí trước bạ quay trở về các mức thu 10-12% theo quy định. Và cũng do đó, như các con số thống kê cho thấy, sức mua ô tô đang tăng trưởng đáng kể.
Mặc dù sức mua ô tô tháng 11 chỉ tăng trưởng 9% so với tháng 10 song theo nhận định, tỷ lệ tăng trưởng này đã là rất cao do đã đến giới hạn của nguồn cung xe trên thị trường.
Có thể dễ nhận thấy khi một số mẫu xe được ưa chuộng trên thị trường luôn rơi vào tình trạng "cháy hàng".
Thử lấy ví dụ ở phân khúc ô tô đang rất "nóng" trên thị trường là các loại xe SUV cỡ B. Khi mẫu xe mới Kia Seltos thiếu nguồn cung trầm trọng, nhiều đại lý Kia không đảm bảo thời gian giao xe đến tay người tiêu dùng theo kế hoạch đã ít nhiều gây rối loạn trên mạng xã hội.
Nguồn cung Kia Seltos "tới hạn" cũng góp phần đẩy doanh số của các mẫu xe đối thủ tăng vọt. Theo báo cáo của VAMA, trong tháng 11/2020, cả 3 mẫu xe trong phân khúc SUV đô thị đều đạt sản lượng bán hàng cực kỳ ấn tượng. Trong đó, Kia Seltos đạt sản lượng bán hàng 1.821 chiếc, Toyota Corolla Cross đạt 1.537 chiếc và Hyundai Kona đạt 1.241 chiếc.
Nhìn lại giai đoạn kể từ thời điểm giãn cách xã hội cho đến nay, có thể thấy chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ giống như một cú "bẻ lái" mạnh mẽ qua đó giúp thị trường ô tô Việt Nam lách qua trở ngại dịch Covid-19 một cách ngoạn mục.