Ngày 23/5, tân Tổng Giám đốc Honda Việt Nam lần đầu tiên tiếp xúc với truyền thông trong nước tại sự kiện công bố báo cáo tổng kết kinh doanh năm tài chính 2019 của liên doanh Nhật Bản (kéo dài từ tháng 4/2018 tới tháng 3/2019). Ẩn sau sự hòa đồng và những nụ cười vui tươi của người đàn ông sinh năm 1968 là những lo lắng khó giấu sau ánh mắt đầy suy tư.

Cũng dễ hiểu bởi ông, dù làm việc ở Honda từ năm 1992, nhưng không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô và xe máy – hai lĩnh vực trọng điểm của Honda Việt Nam. Ông Keisuke Tsuruzono chủ yếu liên quan tới mảng máy động lực của tập đoàn.

Profile đó đang đặt ra những ngờ vực về khả năng ông có thể tiếp nối thành công mà người tiền nhiệm Toshio Kuwahara vừa để lại.

Trong năm tài chính vừa qua, ở lĩnh vực xe máy, Honda Việt Nam đã đạt tổng doanh số 2,56 triệu xe (tăng nhẹ 2,7%), trong đó có tới 1,51 triệu xe tay ga, 946 nghìn xe số và phần còn lại là xe côn tay; giới thiệu tới 34 mẫu mới (gồm cả facelift và all new); mở 21 HEAD mới nâng tổng số HEAD trên toàn quốc lên con số 790, 10 trung tâm bảo dưỡng và 1 cửa hàng bán xe phân khối lớn có tên Honda Moto. Mọi số liệu đều áp đảo toàn bộ phần còn lại của thị trường.  

img
img
img
img

img
img

Tân Tổng Giám đốc Honda Việt Nam trước những bài toán không dễ giải của năm 2019 - Ảnh 3.

Ở lĩnh vực ô tô, liên doanh Nhật cán mốc 32.218 xe bán ra (tăng tới 150%); giới thiệu được 1 mẫu xe mới (Jazz) và các phiên bản mới của xe đang bán; khai trương 6 đại lý mới, nâng tổng số lên 32 đại lý trên toàn quốc, gần bằng một nửa của đối thủ Hyundai Thành Công (70) và đang bám đuổi Toyota Việt Nam (56 đại lý).   

Với kết quả rực rỡ này, Honda Việt Nam đặt kỳ vọng tiếp tục cán mốc kỷ lục mới trong năm tài chính 2020 – tức là phần lớn dựa vào kết quả kinh doanh của năm 2019 theo lịch "thông thường".

Theo báo cáo VAMA, 4 tháng đầu năm 2019, Honda Việt Nam bán ra 10.443 ô tô, gần như gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là áp lực không nhỏ cho tân Tổng Giám đốc Keisuke Tsuruzono khi ông bắt đầu nhận nhiệm vụ lèo lái liên doanh Nhật Bản.

Trước mắt, quân bài đầu tiên mà ông sử dụng sẽ là Brio tham chiến ở phân khúc xe hạng A – nơi Hyundai Grand i10 đang thống trị doanh số. Kia Morning cũng là trở ngại không nhỏ khi có doanh số phân nửa mẫu xe đồng hương. Suzuki Celerio có lẽ không phải đối thủ xứng tầm nhưng VinFast Fadil sẽ là ẩn số thực sự khó đoán khi bán ra gần như cùng lúc với Brio.

Tiếp đó, rất có thể, Honda sẽ tung thêm Accord thế hệ mới và đâu đó là những tin đồn về sự xuất hiện của BR-V mà ông không đưa ra lời bình luận chi tiết khi được hỏi. Nhưng sau cùng, City và CR-V sẽ vẫn là hai át chủ bài về doanh số để dẫn dắt con số cuối cùng vào ngày này năm sau.

Bản thân ông Keisuke Tsuruzono thừa nhận không coi bất kỳ thương hiệu nào là đối thủ mà chỉ chú trọng vào triết lý kinh doanh đem niềm vui tới cho khách hàng. Dẫu vậy, sự cạnh tranh vẫn luôn diễn ra và sân chơi ô tô không phải là sự thống trị như mảng xe máy.

Tân Tổng Giám đốc Honda Việt Nam trước những bài toán không dễ giải của năm 2019 - Ảnh 5.

City chắc chắn là mẫu xe chủ lực về doanh số để tân Tổng Giám đốc Honda Việt Nam tự tin hơn về mục tiêu cho năm tài chính 2020.

Riêng ở mảng xe máy, ông Keisuke Tsuruzono sẽ gặp thuận lợi hơn khi Honda là thế lực quá rõ ràng ở Việt Nam. VinFast dẫu góp mặt ở trận chiến này nhưng chưa thể tạo đột biến để thay đổi thế trận ngay trong tương lai gần. Dấu ấn của tân Tổng Giám đốc có chăng sẽ là những cú bứt phá mà ông tạo ra ở mảng xe phân khối lớn mà ông Toshio Kuwahara vừa mở ra trong năm ngoái nhưng chưa thực sự bành trướng như mảng xe tay ga hay xe số.