PGĐ Khối hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam - ông Shinjiro Kajikawa nhiều lần nhắc đến nhu cầu khách hàng khi được đặt câu hỏi thay đổi tỷ trọng lắp ráp cũng như tính cạnh tranh khi thị trường xuất hiện thêm thương hiệu VinFast và sự lớn mạnh của Trường Hải hay Hyundai.

"Nguyên lý là đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Việc thay đổi tỷ trọng lắp ráp tuỳ theo nhu cầu của khách".

"Chúng tôi không biết VinFast hay Hyundai làm gì cả. Nguyên tắc của Toyota sẽ luôn trong quá trình nâng cao chất lượng, cải tiến phục vụ khách hàng", ông Shinjiro Kajikawa trả lời báo chí tại hội thảo về công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô diễn ra hôm nay, 30/10.

Sếp Toyota Việt Nam: Chúng tôi không biết VinFast làm gì, mà chỉ tập trung nâng cao chất lượng! - Ảnh 1.

Ông Shinjiro Kajikawa - PGĐ Khối hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam

Ông Shinjiro cũng khẳng định không có chuyện thu hẹp sản xuất và có kế hoạch nâng cao tỷ lệ nội địa hoá với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, ông không cụ thể con số về tỷ lệ nội địa hoá.

"Nó có nhiều cách tính, nhiều quan điểm và con số khác nhau", ông nói.

Kế hoạch chuyển giao công nghệ với lộ trình cũng được ông trả lời chung chung. "Khái niệm chuyển giao kỹ thuật vẫn khó định nghĩa. Đối với nhà sản xuất linh kiện cho chúng tôi đương nhiên có hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo nhân lực. Nhưng kế hoạch chưa thể công bố", PGĐ Toyota cho biết.

Trước đó, đại diện của hãng Toyota bày tỏ sự lo lắng về tính bất định của chính sách cũng như đề xuất "xin" cơ chế hỗ trợ.

"Thị trường ngành công nghiệp ô tô Việt có lịch sử biến động rất lớn về chính sách, khiến các nhà sản xuất do dự khi đầu tư vào", ông Shinjiro Kajikawa nói và nhấn mạnh "Không thể đầu tư với thị trường không ổn định".

Điều này đặt trong bối cảnh ngành ô tô đang phải khó khăn để cạnh tranh tồn tại khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0%.

Sếp Toyota Việt Nam: Chúng tôi không biết VinFast làm gì, mà chỉ tập trung nâng cao chất lượng! - Ảnh 2.

Thị trường ngành công nghiệp ô tô Việt có lịch sử biến động rất lớn về chính sách, khiến các nhà sản xuất do dự khi đầu tư vào.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Toyota đưa ra những đề xuất này. Xuyên suốt trong những hội thảo về ngành công nghiệp ô tô, hãng này đã nêu ra các vấn đề này.

Đơn cử như tại cuộc gặp với Bộ KHĐT hồi tháng 6, ông Shinjiro đã đề xuất: "Chúng tôi mong Chính phủ giữ chính sách thuế và các chính sách liên quan nhằm giúp thị trường ổn định, tăng trưởng bền vững".

Ông cũng đề nghị cần những hỗ trợ về sản xuất, bãi bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu vật tư và linh kiện nhỏ cho các nhà cung ứng nhập khẩu cũng như ưu đãi sản xuất cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô để duy trì sản xuất trong nước, khi thị trường chưa đủ lớn.

Có thời điểm, khi thuế suất và các điều kiện ưu đãi có thể không còn được như trước, đã xuất hiện thông tin Toyota muốn rút khỏi thị trường hơn 90 triệu dân này. Tuy nhiên, về sau, phía công ty này khẳng định là "doanh nghiệp rất yêu Việt Nam".