Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 1.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 2.

Cùng với thành công trong doanh số của mẫu sedan Civic, Honda Việt Nam đã ra mắt thêm mẫu xe CR-V để đánh vào phân khúc crossover mà thời điểm đó vẫn chưa mấy sôi động.

Honda CR-V 2008 tại Việt Nam thuộc thế hệ thứ 3 trên thế giới – thời kỳ nhà sản xuất Nhật Bản bắt đầu bỏ lốp dự phòng phía sau để đạt sự thanh thoát trong thiết kế. Ngay khi xuất hiện tại Việt Nam, Honda CR-V đã được lắp ráp trong nước với thiết kế nội, ngoại thất tương đồng với phiên bản tại Mỹ. Kiểu dáng hài hòa và phong cách trẻ trung khiến mẫu xe này hấp dẫn cả nam giới và phái đẹp – yếu tố quan trọng bậc nhất đẩy doanh số thăng hoa.

Xe có kích thước tổng thể dài 4.520 mm, rộng 1.820 mm và cao 1.680 mm. Chiều dài cơ sở 2.620 mm. Nội thất xe rộng rãi, đặc biệt là hàng ghế trước thông suốt tạo cảm giác thoáng đãng - nét thiết kế khác biệt các đối thủ như Hyundai Tucson hay Kia Sportage. Ghế xe chỉnh điện 8 hướng, dễ dàng điều chỉnh phù hợp cho nhiều mức chiều cao của người lái.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 3.

Honda trang bị duy nhất một động cơ 4 xy-lanh, DOHC, dung tích 2,4 lít cho xe CR-V. Động cơ này sản sinh công suất 168 mã lực tại 5.800 vòng/phút và mô-men xoắn 220 Nm tại 4.200 vòng/phút, kết hợp hộp số tự động 5 cấp và hệ dẫn động cầu trước (FWD).

Trang bị an toàn trên xe gồm hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), phân bổ lực phanh điện tử (EBD) và ổn định thân xe điện tử (VSA). Bên trong cabin có hai túi khí ghế trước và hai túi khí bên.

Giá bán của xe Honda CR-V vào thời điểm ra mắt là 884 triệu đồng.  

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 4.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 5.

Tiện đà tăng trưởng, phiên bản Honda CR-V nâng cấp (facelift) đầu tiên được liên doanh Nhật Bản giới thiệu vào giữa năm 2010. Bởi Honda hiểu, việc thay đổi là cần thiết sau gần 2 năm khách hàng quá quen thuộc với đường nét của sản phẩm hiện hành nhưng thay đổi không cần quá nhiều. Điều đó vừa không làm "thượng đế" phải shock, vừa là bước đà vừa đủ cho cú lột xác ở thế hệ tiếp theo.

Xe có một vài nét trau chuốt trong diện mạo. Lưới tản nhiệt dạng thanh đơn tinh tế hơn. Cản trước được đưa thấp xuống. Đèn sương mù dạng dẹt đặt tách biệt khỏi phần ốp cản trước. Vành xe được thay bằng loại 5 chấu kép. Honda cho biết toàn bộ những nâng cấp này tuy nhỏ nhưng đều dựa trên phản ứng của thị trường.

Bên trong nội thất cũng có vài thay đổi nhỏ. Màn hình đặt trong bảng đồng hồ có kích thước lớn hơn. Thanh tỳ tay của hàng ghế trước có thể xoay lên xuống với góc 30 độ. Bên cạnh đó, Honda cho biết phiên bản mới được cải thiện hệ thống cách âm – một trong những điều khiến khách hàng phàn nàn nhiều nhất về Honda CR-V thời điểm đó.

Giá xe Honda CR-V là 1,007 tỷ đồng, cao hơn hẳn phiên bản cũ.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 6.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 7.

Sau gần 3 năm, Honda CR-V thế hệ mới ra mắt thị trường Việt với diện mạo lột xác hoàn toàn. Thiết kế thay đổi gần như toàn bộ với mặt trước hầm hố hơn. Nhưng chuyện sẽ không có gì để nói nếu như các nhà thiết kế của Honda không tạo ra tấm lưng gù trên CR-V.

Khách hàng thân thiết nhanh chóng phản hồi sự không hài lòng về nâng cấp này. Những khách hàng tiềm năng trở nên đắn đo hơn khi xuống tiền. Tuy nhiên, Honda biết cách trấn an người tiêu dùng khi họ tạo ra không gian rộng rãi để đồ phía dưới phần đuôi gấp khúc gây tranh cãi này. Đó lại là điểm yêu thích của những người thực dụng!

Và sự thực dụng giúp Honda CR-V tiếp tục đứng vững trên ngôi vị số 1 với khoảng 2.200 xe bán ra trong năm 2013, tăng hơn 2 lần so với năm 2012.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 8.

Với thế hệ mới, Honda CR-V được đưa ra hai tùy chọn động cơ. Động cơ SOHC, dung tích 2 lít cho công suất 152 mã lực tại 6.500 vòng/phút và mô-men xoắn 190 Nm. Trong khi đó, động cơ 2,4 lít sản sinh công suất 187 mã lực tại 7.000 vòng/phút và mô-men xoắn 222 Nm. Hộp số tự động 5 cấp và hệ dẫn động cầu trước (FWD) là trang bị tiêu chuẩn chung. Bên cạnh đó, xe có chế độ tiết kiệm nhiên liệu ECON và vô-lăng trợ lực điện.

Trang bị an toàn trên xe CR-V mới được bổ sung thêm hệ thống kiểm soát hành trình chủ động (Cruise Control), hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HSA). Phanh chống bó cứng (ABS), phân phối lực phanh điện tử (EBD) và 4 túi khí vẫn giữ nguyên.

Honda CR-V được bán với hai phiên bản, giá từ 998 triệu đến 1,14 tỷ đồng.

Ở giai đoạn này, Honda CR-V vẫn là một thế lực về doanh số. Tuy vậy, phân khúc crossover 5 chỗ bắt đầu xuất hiện một nhân tố đầy tiềm năng: Mazda CX-5 cũng lắp ráp trong nước. Câu chuyện về cuộc chiến hấp dẫn bậc nhất thị trường ô tô Việt cũng nhen nhóm từ đây.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 9.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 10.

Kể từ tháng 1/2014, sự tăng trưởng doanh số của Mazda CX-5 khiến Honda Việt Nam phải giật mình sau chiến thắng nhiều năm liên tiếp ở phân khúc crossover 5 chỗ. Chính sách đặt giá khó chịu của Trường Hải khiến miếng bánh thị phần của Honda CR-V bị thu nhỏ.

Lần đầu tiên sau 4 năm ra mắt, Honda CR-V mất ngôi vương doanh số vào tay Mazda CX-5. Dẫu rằng, khoảng cách chỉ là 13 xe nhưng điều đó đủ cho CR-V thấy được sự cần thiết phải thay đổi.  

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 11.

Sự cạnh tranh quyết liệt giữa Honda CR-V và Mazda CX-5 trong năm 2014. Số liệu: VAMA.

Đó là lý do cuối năm 2014, Honda tiếp tục bổ sung thêm bản nâng cấp (facelift) cho mẫu xe CR-V để tăng ưu thế cạnh tranh trong thời điểm phân khúc crossover đang "nóng".

Tuy nhiên, thay đổi chỉ tập trung chủ yếu vào ngoại hình. Cụm đèn chiếu sáng chính được nối liền mạch với lưới tản nhiệt bằng dải LED ban ngày. Vành xe 5 chấu kép kích thước 18 inch được cách điệu theo dạng cánh quạt. Cản trước hầm hố hơn, trong khi đuôi xe được làm mới bằng cản sau và nẹp crôm sang trọng trên cốp xe.

Bên trong cabin lược bỏ ổ cắm chìa khoá và thay bằng nút đề nổ. Bên cạnh đó, màn hình cảm ứng 7 inch mới lần đầu tiên được đưa lên mẫu xe này, hiển thị dẫn đường và hình ảnh từ camera lùi 3 góc độ. Các trang bị khác gần như được giữ nguyên.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 12.

Honda CR-V được bán ra với giá từ 1,008 đến 1,158 tỷ đồng. Mức giá này cùng sự loay hoay trong các chương trình khuyến mại nhỏ giọt đã khiến Honda CR-V liên tiếp đánh mất các vị trí số 1 doanh số tháng giai đoạn 2014-2016 vào tay Mazda CX-5.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 13.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 14.

Sự thất thế của Honda CR-V trước sức ép của Mazda CX-5 thể hiện rõ nhất trong năm 2016. Trường Hải đưa về mẫu mới cùng việc mạnh tay giảm giá Mazda CX-5 khiến doanh số của mẫu crossover này từ mức 200 nhảy lên hàng nghìn. Để qua đó, Mazda CX-5 nhanh chóng tiến vào top 10, thậm chí top 5 xe bán chạy hàng tháng của VAMA. Honda CR-V tụt dốc và biến mất khỏi danh sách này. 

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 15.

Khoảng cách doanh số của hai mẫu crossover trở nên rõ rệt trong năm 2016. Số liệu: VAMA.

Hy vọng le lói với Honda khi liên doanh Nhật Bản tung ra phiên bản cao cấp 2.4 AT-TG, giữ nguyên thiết kế và bổ sung thêm trang bị. Trên phiên bản này có thêm lẫy chuyển số trên vô-lăng, cảm biến mưa, đèn chiếu sáng tự động và hệ thống an toàn 6 túi khí. Phiên bản cao cấp có giá 1,178 tỷ đồng.

Trong thời gian đầu, giá xe CR-V ba phiên bản dao động từ 1,008 đến 1,178 tỷ đồng. Đến tháng 8/2017, trước "cơn bão" giảm giá của toàn thị trường, mức giá niêm yết của mẫu xe này còn từ 898 triệu đến 1,028 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong tháng 9, nhờ chương trình giảm giá lớn, Honda CR-V đã tăng vọt doanh số lên gấp hơn 9 lần tháng trước đó, đẩy Mazda CX-5 xuống vị trí thứ 2. Tuy nhiên, sau khi kết thúc khuyến mại, lượng xe CR-V bán ra trong tháng 10 trở về mức thấp đáng kể (hơn 100 xe). Nguyên nhân một phần đến từ việc liên doanh ô tô Nhật Bản ngừng sản xuất xe CR-V hiện tại để đón mẫu xe hoàn toàn mới.  

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 16.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 17.

Ngày 13/11 vừa qua, Honda CR-V thêm một lần thay đổi và cũng thêm một lần tái định nghĩa phân khúc. Crossover 5 chỗ bỏ thiết kế lưng gù gây tranh cãi. Nhưng điểm đáng lưu ý hơn cả là việc bổ sung phiên bản 7 chỗ với thiết kế 5+2 cùng việc chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.

Honda CR-V và 10 năm thăng trầm tại Việt Nam - Ảnh 18.

Bên cạnh đó, sức mạnh cũng đáng chú ý khi xe được trang bị động cơ tăng áp VTEC Turbo mới có dung tích 1,5 lít, cho công suất 188 mã lực tại 5.600 vòng/phút, tương đương sức mạnh của loại 2,5 lít hút khí tự nhiên thông thường. Mức tiêu hao nhiên liệu được Honda Việt Nam công bố là 6,9 lít/ 100 km, tiết kiệm hơn so với bản động cơ 2,4 lít.

Công nghệ cũng là một điểm mạnh của Honda CR-V mới. Ngoài những tính năng an toàn cũ, mẫu xe mới được bổ sung thêm hệ thống cảnh báo chống buồn ngủ (DAM), phanh tay giữ tự động, cốp điện tự động và hệ thống hỗ trợ đánh lái chủ động (AHA).

Những thay đổi đó đang khiến Honda CR-V có những bước đi giống với Honda Civic. Mẫu sedan hạng C vang bóng một thời đang cố gắng tìm lại ngôi vương với thế hệ mới cũng lột xác thiết kế và chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu Thái Lan.

Tuy nhiên, cách định giá cao khiến cả Honda Civic và Honda CR-V đều nằm trên phần còn lại của phân khúc. Với các số liệu được công bố, kịch bản đang diễn ra với Civic là doanh số không khởi sắc, và bị Mazda3 lấn lướt. Điều tương tự liệu có xảy đến với CR-V? Hoặc có thể, cả crossover và sedan của Honda đều sẽ chọn cách bước lên phân khúc mới và bỏ lạ các đối thủ truyền thống để chinh phục khách hàng bằng chất lượng.