1. Bản đồ vệ tinh - tập phim Goldfinger (1964)

James Bond đã gắn một thiết bị theo dõi lên chiếc Rolls-Royce của Goldfinger. Khi chiếc xe di chuyển, James sẽ nhận được tín hiệu thông qua một bản đồ được cài sẵn trong xe. 

Bản đồ vệ tinh trên ô tô trong tập phim Goldfinger. Nguồn: Youtube.

Tất nhiên hệ thống này không thể điều hướng, chọn vị trí, điểm đến, nhà ăn hay trạm xăng, nhưng dẫu sao nó cũng là tiền đề cho hệ thống bản đồ vệ tinh. Một công nghệ phải mất tới gần 40 năm sau mới xuất hiện trên ô tô.

2. Kết nối bluetooth - tập phim You Only Live Twice (1967)

Ý tưởng ban đầu khá đơn giản. Đó là một kết nối giúp James Bond và người bạn đồng hành Aki có thể gọi điện khi lái xe mà không cần phải cầm điện thoại và bắt máy. 

Kết nối nghe gọi điện thoại không dây trong tập phim You Only Live Twice. Nguồn: Youtube.

Ngày nay sau hơn 40 năm, bluetooth trở thành một trong những kết nối không thể thiếu trên những mẫu xe hiện đại. Không chỉ phục vụ nhu cầu nghe gọi đơn thuần, bluetooth còn hỗ trợ các hoạt động giải trí khác trên xe hơi như nghe nhạc, xem phim,...

3. Head Up Display - tập phim The Living Daylights (1987)

Ngày đó, những thứ được hiển thị trên kính lái chính là hồng tâm giúp James Bond có thể phóng tên lửa vào mục tiêu cần thiết.

Hệ thống hiển thị thông tin lên màn hình trong tập phim The Living Daylights. Nguồn: Youtube.

Tất nhiên hiện tại và cả sau này, sẽ chẳng có mẫu xe dân dụng nào được trang bị hệ thống tên lửa như vậy. Nhưng hệ thống chiếu thông tin lên kính lái Head Up Display đã và đang dần phổ biến trên cả những mẫu xe bình dân, cung cấp những thông tin cơ bản về tốc độ, điều hướng hay áp suất lốp cho lái xe.

>>> Tự làm Head Up Display với giá 0 đồng cho ô tô đời cũ

4. Hệ thống kiểm soát lực kéo - tập phim The Living Daylights (1987)

Chiếc Aston Martin V8 của James Bond bị truy đuổi trong điều kiện đường tuyết hết sức trơn trượt và lầy lội. Cuối cùng, để chạy thoát, James đã phải sử dụng hệ thống lốp gai và sự hỗ trợ từ những bộ phận tương tự như dụng cụ của những vận động viên trượt tuyết để thoát thân. 

Hệ thống kiểm soát giúp xe cân bằng tốt hơn trong tập phim The Living Daylights. Nguồn: Youtube.

Không trang bị nào trong 2 trang bị trên được áp dụng trên những mẫu xe ngày nay. Nhưng nó chính là động lực để những nhà sản xuất nghiên cứu và phát triển hệ thống kiểm soát lực kéo, giúp những chiếc xe ô tô có thể giữ được sự ổn định trong những điều kiện đường xá tồi tệ nhất. 

5. Điều khiển ô tô thông qua điện thoại - tập phim Tomorrow Never Dies (1997)

Những chiếc BMW 7-Series ngày nay từng gây sốt với chức năng điều khiển xe thông qua màn hình chìa khóa. Không rõ rằng những nhà sáng tạo có phải là một fan của "Điệp Viên 007" hay không. Vì tính năng này đã được trang bị trên chiếc BMW 750 của James Bond từ... 21 năm trước.

Chiếc xe có thể được điều khiển thông qua điện thoại trong tập phim Tomorrow Never Dies. Nguồn: Youtube.

Điều thú vị không chỉ dừng lại ở tiến và lùi xe khỏi nơi đỗ. Thông qua điện thoại, James Bond còn có thể điều khiển chiếc xe chạy cực nhanh thông qua một camera được kết nối với màn hình điện thoại.

6. Di chuyển xe khỏi bãi đỗ bằng chìa khoá - tập phim The World Is Not Enough (1999)

Lần này, tính năng tự động rời khỏi điểm đỗ gần như y hệt trên những chiếc BMW 7-Series thế hệ mới. Nguồn: Youtube.

7. Camera nhiệt - tập phim Die Another Day (2002)

Không giống như trong điệp viên 007, camera nhiệt trên xe hơi ngày nay không nhằm mục đích dò tìm tên lửa hay những việc phục vụ mục đích quân sự. Những mẫu xe sang giờ đây được trang bị hệ thống này nhằm phát hiện người hoặc động vật có khả năng cắt ngang đường khi lưu thông trong màn đêm, từ đó giúp lái xe có thể vận hành một cách an toàn hơn.

Camera nhiệt được trang bị trên xe của 007. Nguồn: Youtube.