Theo thông tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình triển khai Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô (sau đây gọi chung là Nghị định 116), ngày 10/01/2018 và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP (sau đây gọi chung là Thông tư 03) nhằm hướng dẫn thực hiện khoản 2 Điều 6 của Nghị định 116.

Theo Bộ GTVT, kể từ sau thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 116 cũng như trong quá trình Bộ GTVT xây dựng và ban Thông tư 03, Bộ GTVT nhận được các kiến nghị từ các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị tạm dừng Nghị định 116 và Thông tư 03 để sửa đổi, bổ sung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Để thể hiện sự cầu thị đối với các đề xuất vướng mắc của doanh nghiệp, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét 2 phương án sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 116.

Theo đó, tại phương án 1, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp các Bộ và doanh nghiệp sửa đổi các nội dung theo như kiến nghị tại mục 2 nêu trên, sau đó Bộ GTVT sẽ sửa đổi Thông tư 03 cho phù hợp, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.

Với phương án 2, Bộ GTVT đề nghị trước mắt tiếp tục thực hiện nghiêm theo Nghị định 116 và Thông tư 03 trong một thời gian nữa, nếu thực sự có vướng mắc bất cập đúng như phản ánh của doanh nghiệp thì Chính phủ chỉ đạo các Bộ sửa đổi, bổ sung Nghị định 116 và Thông tư 03.

Bộ GTVT khẳng định là thực tế những phản ánh của doanh nghiệp đến thời điểm hiện nay cũng đã được làm rõ và vẫn có doanh nghiệp đang hoàn tất các thủ tục đăng kiểm để đưa xe ra thị trường trong tháng 3/2018. Điều này chứng tỏ thực tế đang diễn biến khác với phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn trong việc cung cấp Giấy chứng nhận (GCN) chất lượng kiểu loại ô tô bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.

Trên thực tế, đến đầu tháng 3/2018, ít nhất 3 mẫu GCN chất lượng kiểu loại đã được Bộ GTVT xác nhận là phù hợp với Nghị định 116 và Thông tư 03, gồm: GCN kiểu loại ô tô do Chính phủ Thailand cấp Ford Ranger, Ford Everest sản xuất tại Thái Lan và xuất khẩu đến Việt Nam tại văn bản số 1574/BGTVT-KHCN ngày 09/02/2018; Giấy chứng nhận an toàn do nhà sản xuất FORD Hoa Kỳ tự phát hành, mẫu Giấy chứng nhận khí thải cấp bởi tổ chức VCA của Anh quốc cấp cho xe Ford Explorer sản tại Hoa Kỳ xuất khẩu đến Việt Nam tại văn bản số 1404/BGTVT-KHCN ngày 07/02/2018; Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Chính phủ Thái Lan cấp cho ô tô CR-V sản xuất tại Thái Lan xuất khẩu đến Việt Nam tại văn bản số 1824/BGTVT-KHCN ngày 23/02/2018.

Đến ngày 1/3/2018, chuyến tàu MOL của Nhật Bản đã chính thức cập cảng SPCT - Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh) đưa hơn 2.000 xe ô tô Honda nhập khẩu về Việt Nam với đầy đủ bộ Giấy chứng nhận cho các kiểu loại ô tô do Cơ quan Quản lý giao thông đường bộ (Dept. of Land Transport) Thái Lan cấp cho Honda Việt Nam và đã hoàn thành việc lấy mẫu đưa đi thử nghiệm theo quy định.

Như vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu đã giải quyết được vướng mắc, kiến nghị liên quan đến GCN chất lượng kiểu loại cho ô tô khi nhập khẩu vào Việt Nam và hiện tại không có vướng mắc gì”, Bộ GTVT cho biết.

Liên quan đến ý kiến cho rằng về việc kiểm tra khí thải và an toàn đối với từng lô hàng ô tô nhập khẩu sẽ làm tăng thời gian chờ đợi thông quan lên thêm tới 2 tháng hoặc hơn và làm tăng chi phí lưu kho đối với ô tô nhập khẩu; làm đội chi phí thêm lên tới 10.000 USD cho việc tiến hành thử nghiệm khí thải và an toàn đối với từng kiểu loại ô tô trong mỗi lô hàng nhập khẩu, Bộ GTVT cho rằng ý kiến này là chưa có cơ sở.

Theo Bộ GTVT, hiện trình tự thực hiện đăng kiểm ô tô nhập khẩu như sau: sau khi cơ quan kiểm tra lấy ngẫu nhiên mẫu trong lô xe nhập khẩu (có thể 2 mẫu để thử đồng thời cả khí thải và thử an toàn trong cùng một thời điểm), doanh nghiệp đưa xe đến cơ sở thử nghiệm.

Trong đó, đối với thử nghiệm khí thải thì từ khi cơ sở thử nghiệm nhận xe mẫu đến khi trả kết quả không quá 2 ngày (năng suất của Trung tâm thử nghiệm từ 6 đến 7 mẫu xe nhập khẩu trong 1 ngày); chi phí thử 27 triệu/mẫu (đối với động cơ xe xăng) và 28 triệu đối với xe động cơ điêzel). Đối với thử nghiệm về an toàn thì cơ sở thử nghiệm nhận xe mẫu để thử nghiệm không quá 2 ngày (trả xe mẫu ngay sau khi thử nghiệm xong), báo cáo thử nghiệm phát hành vào ngày hôm sau (nếu doanh nghiệp cung cấp đủ tài liệu kỹ thuật về xe mẫu). Chi phí thử nghiệm là 12 triệu/mẫu thử.

Từ thực tế nói trên, Bộ GTVT nhận thấy các ý kiến cho rằng “việc thử nghiệm một mẫu xe tốn kém về chi phí lên tới 10.000 USD và thời gian chờ đợi lên thêm tới 2 tháng của doanh nghiệp” là chưa có cơ sở.

Bộ GTVT cho rằng, nếu sửa đổi Nghị định 116 theo hướng xe nhập khẩu chỉ thử nghiệm an toàn và khí thải lần đầu tiên, sau 6 tháng sau mới tiến hành kiểm tra lại sẽ tạo lỗ hổng cho các nhà nhập khẩu lách luật, gian lận, tránh các bước kiểm tra của cơ quan chức năng, dẫn đến chất lượng của các xe không được kiểm soát chặt chẽ và quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, việc một nhà nhập khẩu tiến hành nhập khẩu hàng loạt xe về và chỉ đăng ký kiểm tra cho một lô đại diện (đã được chuẩn bị trước) để cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận, sau đó Nhà nhập khẩu tiếp tục đăng ký kiểm tra cho các lô còn lại. Trường hợp này, Cơ quan chức năng sẽ không kiểm soát được an toàn và chất lượng linh kiện và các hệ thống trên xe của những xe nhập khẩu tiếp theo trong chu kỳ 6 tháng.

Với dung lượng thị trường 300 nghìn xe/năm, các doanh nghiệp nhập khẩu không thể nhập khẩu lô hàng có số lượng ít mà mỗi lô hàng nhập khẩu ít nhất phải hàng trăm xe, do đó việc lấy một mẫu xe trong lô hàng nhập khẩu để kiểm tra khí thải và an toàn cũng không làm phát sinh chi phí đáng kể cho doanh nghiệp nhập khẩu. Nếu trong quá trình thực hiện các nhà nhập khẩu thực sự tiết kiệm thì chi phí thử nghiệm nêu trên là khoảng 40 triệu VNĐ (tương đương khoảng hơn 1.000 USD).

Do đó, việc kiểm tra liên tục và thường xuyên đối với mỗi lô nhập khẩu của cơ quan chức năng để đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng, tạo sự bình đẳng đối với xe sản xuất lắp ráp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và an toàn môi trường là hết sức cần thiết.