Trong suốt 5 năm sử dụng chiếc Honda CR-V 2019, chi tiết hỏng hóc nặng nề nhất trên chiếc xe theo chia sẻ của anh Nam là lốc điều hòa. Tuy nhiên, chi phí khắc phục không hề đắt.
Dân gian vẫn có câu "của bền tại người" nhưng một phương tiện di chuyển được tạo thành từ hàng ngàn chi tiết như ô tô, nhiều bộ phận có thể gặp hao mòn, hỏng hóc sau một thời gian dài sử dụng. Do đó, những bài viết chia sẻ kinh nghiệm sử dụng xe hơi vẫn luôn thu hút được sự quan tâm của cộng đồng.
Tương tự, những chia sẻ của anh Đỗ Thành Nam (đến từ Thái Bình) cũng gây được sự chú ý trên hội nhóm người dùng sử dụng dòng Honda CR-V trên mạng xã hội. Theo nội dung được anh Nam đăng tải, chiếc CR-V anh đang sử dụng thuộc đời 2019, đến nay đã đi được 440.000km nhưng máy móc, hộp số vẫn nguyên "zin".
Trung bình mỗi năm, anh Nam "chinh chiến" cùng chiếc CR-V này gần 90.000km. Con số này đầy bất ngờ, tưởng chừng chỉ xuất hiện ở những chiếc xe chạy dịch vụ, chứ không phải phương tiện di chuyển hàng ngày của một thợ may vest như anh Nam.
Xuất phát từ nỗi niềm tò mò và có phần bán tín bán nghi, chúng tôi tìm đến anh Nam để gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ cũng như kiểm chứng tính chính xác.
Chào anh Nam! Những chia sẻ của anh trên mạng xã hội cho thấy anh là một người có hiểu biết, kiến thức tốt về xe ô tô. Phải chăng Honda CR-V 2019 không phải là chiếc xe đầu tiên mà anh sử dụng?
Thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Đây là chiếc xe đầu tiên của mình, thậm chí lúc mình mua xe còn chưa có bằng lái, phải nhờ một anh thợ ở gara gần nhà đánh về cất.
Thông thường người mua xe lần đầu hoặc mới có bằng sẽ chọn mẫu xe gọn nhẹ, giá rẻ làm quen với việc sử dụng ô tô, sau một vài năm sẽ đổi hoặc lên đời. Tại sao anh lại chọn CR-V, khi mẫu xe này có kích thước khá lớn?
Hồi mình định mua xe thì vô tình đọc được một bài viết trên mạng xã hội, phân tích khá sâu về dòng xe ô tô của người Nhật. Đồng thời, nhìn nhận vào những sản phẩm đến từ quốc gia này như Honda Dream, giữ giá và thậm chí đến nay vẫn bền bỉ, nên mình dần có cảm tình với những mẫu xe đến từ Nhật Bản.
Lúc đó mình có anh bạn đang sử dụng Honda CR-V đời 2015. Anh đó khuyên mua dòng này vì ở thời điểm đó, xe của cậu bạn đó đã đi được 4 năm, "bào" các thể loại mà vẫn chả hỏng gì.
Đợt đó mua xe xong thì gặp dịch Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn cũng khiến mình có phần hối hận khi mua chiếc xe này. Thế nhưng đến nay, khi đã đồng hành cùng CR-V được 440.000km, mình lại thấy quyết định này là chính xác.
Lúc mình chia sẻ lên hội nhóm, nhiều người giật mình, rồi không tin, có người hỏi mình liệu có nhầm lẫn hay đồng hồ của xe có vấn đề gì không. Nhưng xe thì không ai tua công-tơ-mét lên cả, người ta chỉ có tua xuống mà thôi.
Anh có chia sẻ rằng anh là thợ may vest, vậy tại sao anh lại sử dụng chiếc Honda CR-V 2019 này nhiều đến vậy?
Trước mình làm ở quê nhưng gần đây mới lên Hà Nội để mở rộng thương hiệu, do mình làm việc nhiều với các ca sĩ, nghệ sĩ giải trí ở khu vực phía Bắc. Dù mở cửa hàng tại Thủ đô nhưng mình chuyên phục vụ khách tại nhà.
Ví dụ, khách ở Quảng Ninh có nhu cầu may vest thì mình sẵn sàng phi xuống lấy số đo. Đến lúc may xong lại mang xuống cho họ thử, chưa ưng thì lại về sửa rồi tiếp tục mang xuống, đến bao giờ khách ưng ý thì thôi.
Rồi thì trong trường hợp có người giới thiệu mình tới khách lớn ở tỉnh, mình sẵn sàng đến làm quen, tạo quan hệ rồi mới vào việc. Chưa kể ở dưới quê mình vẫn còn bố mẹ, nên 1 tuần phải đảo về 2 lần để thăm các cụ.
Sau 440.000km sử dụng, chiếc CR-V của anh có gặp vấn đề gì không?
Như mình có chia sẻ là động cơ và hộp số vẫn nguyên "zin", chưa động chạm gì cả, bugi mới chỉ thay một lần. Chỉ có hôm trước mình đang đi giữa đường thì tự nhiên thấy máy lịm dần, lúc đầu cũng nghi hỏng cuộn đề.
Đến lúc chở về đại lý, anh em kỹ thuật kiểm tra thì báo là cuộn đề không hỏng mà là chổi than, chỉ cần thay thôi là được. Cái đó khắc phục cũng đơn giản và không tốn kém là bao.
Sau 440.000km, chóa đèn của chiếc Honda CR-V 2019 này vẫn sáng bóng nhưng bộ mâm đã có nhiều chỗ trầy xước. Đây là chi tiết khỏi tránh khỏi sau quá trình sử dụng dài.
Chi phí bảo dưỡng của chiếc xe khi lên tới 440.000km ra sao, thưa anh?
Mọi người cứ nghĩ xe đi ác như thế bảo dưỡng chắc phải đắt lắm nhưng thực ra rẻ lắm. Thông thường cứ cách 10.000km là mình lại bảo dưỡng, mỗi lần mất vài triệu đồng, có lần chỉ hơn 1 triệu, do chỉ cần thay nhớt và kiểm tra phanh.
Về hỏng hóc thì có đợt mình đi Sơn La, ngủ gật giữa đèo nên va vào barie, vỡ cụm đèn trước với trầy, móp một bên thân xe. Đợt đó vào hãng, tổng chi phí khắc phục là 58 triệu đồng, riêng cụm đèn đã 30 triệu đồng, 28 triệu còn lại là tiền sữa chữa phần thân và sơn quây lại cả xe. Nhưng do xe gặp nạn nên mình được bảo hiểm đỡ cho 80%, chỉ cần trả 20% còn lại.
Lần gần nhất thì xe mình bị hỏng lốc điều hòa, mang vào đại lý để sửa và tiện thể bảo dưỡng luôn. Tổng chi phí tất tần tật khoảng 7,6 triệu đồng, nhìn chung vẫn rẻ, chấp nhận được.
Anh có "bí quyết" gì để giữ chiếc xe được bền bỉ như vậy?
Lúc mới lấy xe về mình cũng tìm hiểu kỹ, rồi tham khảo kinh nghiệm của nhiều người. Ở Việt Nam, ô tô vẫn là tài sản lớn và có khi cả đời chỉ có thể mua được một chiếc, nên mình thấy việc cẩn thận không hề thừa thãi.
Về "bí quyết" thì thực ra mình có một chút tâm đắc trong việc sử dụng xe ô tô. Đầu tiên là mỗi lần dừng xe, ra khỏi xe là mình chủ động tắt hết hệ thống đèn và điều hòa, nó vừa giúp tiết kiệm ắc quy mà giả dụ để qua đêm, sáng hôm sau lúc đề xe sẽ có cảm giác rất nhẹ, êm ru, chứ không gào một cách nặng nề.
Thứ hai là mình chỉ thay nhớt trong hãng và không đổ xăng ngoài. Mình tuyệt đối chỉ đổ xăng ở PV Oil hay Petrolimex. Điểm này không quan trọng với nhiều người nhưng theo suy nghĩ của mình, cái xe nó cũng như cơ thể của con người, ăn nhiều tạp chất quá thì dễ ốm.
Mình lái xe cũng điềm đạm, giữ đều chân ga, không đạp thốc để tránh máy đốt thừa xăng, hạn chế phanh gấp, nên mình đi lúc nào cũng chỉ khoảng 6,5 lít/100km đường hỗn hợp. Bảo dưỡng thì mình làm toàn bộ trong hãng, cái gì các bạn kỹ thuật đề xuất hợp lý thì mình làm theo.
Như lốp xe, đến nay mình mới chỉ thay 2 lần. Lần đầu tiên ở mốc 180.000km, đi đến mức không thể đi được nữa thì thôi.
Bình thường nếu đỗ xe ngoài bãi thì mình tuyệt đối không để xe phơi nắng. Nếu như nhiệt độ ngoài trời là 35 độ, phơi xe trực tiếp dưới ánh nắng sẽ khiến khoang cabin như kiểu bị "luộc", dễ lên tới 80 độ, trong thời gian dài thì nội thất có bền đến mấy cũng sẽ hỏng.
Sau 5 năm sử dụng với ODO lên tới 440.000km, nội thất của chiếc Honda CR-V này đã có dấu hiệu xuống cấp khi phần da ghế khá nhăn, phần da của các chi tiết hay tiếp xúc như cần số đã hao mòn theo thời gian. Bù lại, đệm ngồi không bị lõm.
Chiếc CR-V đã đồng hành với anh lâu như vậy rồi, anh có dự tính đổi xe trong thời gian tới hay không?
Nếu có đổi xe thì chắc chắn mình vẫn sẽ mua xe Nhật. Mình cũng thích Lexus, nhưng nếu tài chính chỉ khoảng 1,5 tỷ thì mình sẽ mua bản mới của CR-V, đi quen rồi, mà cũng bền thì không có gì để nghĩ.
So với thế hệ mới của CR-V, trang bị của chiếc xe này đã có phần không theo kịp. Các tính năng của xe còn đáp ứng tốt nhu cầu của anh hay không?
Về tổng thể, mình thấy các tính năng của xe vẫn đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu của mình. Mình không thích màn hình giải trí lắm, do kích thước khá nhỏ.
Tuy nhiên, mình không có ý định thay thế hay lắp thêm trang bị của hãng thứ 3. Quan điểm của mình là để nguyên bản theo nhà sản xuất là tốt nhất.
Cám ơn anh đã chia sẻ!
Một số hình ảnh nội, ngoại thất chiếc Honda CR-V 2019 của anh Nam:
Một số hình ảnh khoang máy chiếc Honda CR-V 2019 của anh Nam: