Trong năm 2013-2014, dòng xe điện của Tesla liên tục gặt hái thành công rực rỡ tại các thị trường như Mỹ và Áo. Thậm chí, Tesla Model S còn nhanh chóng trở thành “đồ chơi mới” của giới nhà giàu Mỹ. Thế nhưng, khi tiến vào thị trường Trung Quốc, Tesla liên tục gặp vận xui. Phải chăng câu nói “đầu không xuôi thì đuôi không lọt” hoàn toàn đúng với Tesla tại thị trường xe lớn nhất thế giới?

Rắc rối ngay từ đầu

Đầu tiên là rắc rối thương hiệu tại Trung Quốc khiến hãng Tesla phải đổi tên. Cụ thể, một doanh nghiệp địa phương đã đăng ký bản quyền thương hiệu cho cái tên Tesla từ năm 2009 tại Trung Quốc, đó là Baosheng Zhan. Tại Trung Quốc, cái tên Tesla được hãng Baosheng Zhan dùng cho các sản phẩm xe hơi, máy bay và tàu biển của mình.

Hãng Tesla đã tìm cách mua lại thương hiệu từ hãng Baosheng Zhan với giá 326.000 USD. Tuy nhiên, con số mà Baosheng Zhan đưa ra lại gấp 100 lần, lên đến 32,6 triệu USD. Không đồng ý với con số đó, hãng Tesla đã quyết định đổi sang cái tên Tousule để thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Một trong những chiếc Tesla Model S chính hãng đầu tiên đến Trung Quốc.

Một trong những chiếc Tesla Model S chính hãng đầu tiên đến Trung Quốc.

Rắc rối tưởng chừng như đã qua khi hãng Tesla bắt đầu vận chuyển những chiếc xe đến Trung Quốc. Đây cũng là lúc hãng Tesla vấp phải chuyện lùm xùm tiếp theo. Một khách hàng Trung Quốc đã rất tức giận trước việc hãng Tesla chậm trễ giao xe. Thậm chí, khách hàng này còn đập vỡ kính của chiếc Model S đã đặt mua sau khi nhận xe.

Đến nay, Tesla lại đứng trước tương lai không mấy sáng sủa của Model S tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Theo trang tin Reuters, trong tháng 1/2015, hãng Tesla chỉ bán được đúng 120 chiếc xe cho người tiêu dùng Trung Quốc. Vậy, lý do vì sao Tesla dần “thảm bại” tại thị trường Trung Quốc?

Thiếu cửa hàng chính hãng và trung tâm dịch vụ

Trên trang web chính thức, hãng Tesla liệt kê 10 cửa hàng và đúng 3 trung tâm dịch vụ tại đất nước rộng lớn như Trung Quốc. Đây là con số chắc chắn quá ít ỏi đối với thị trường xe hơi lớn nhất thế giới và dân số 1,4 tỷ người. Con số trên càng kém ấn tượng hơn khi nhiều các cửa hàng chính hãng của Tesla kiêm luôn vai trò trung tâm dịch vụ.

Ví dụ, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc với dân số 22 triệu người, có 3 cửa hàng và 1 trung tâm dịch vụ. Trong đó, có 1 cửa hàng kiêm luôn trung tâm dịch vụ, nghĩa là người mua xe Tesla tại Bắc Kinh chỉ có 3 địa chỉ để tìm đến khi cần. Một trung tâm dịch vụ khác của Tesla tại thủ đô Bắc Kinh hiện đã đóng cửa và bỏ không.

Cửa hàng Tesla bỏ không tại thủ đô Bắc Kinh.

Cửa hàng Tesla bỏ không tại thủ đô Bắc Kinh.

Thượng Hải, thành phố giàu nhất của Trung Quốc với dân số 25 triệu người, cũng chỉ chứa 3 cửa hàng và 2 trung tâm dịch vụ. Trong đó, 2 cửa hàng của Tesla cũng đóng vai trò như trung tâm dịch vụ.

Tại những khu vực khác của Trung Quốc, không hề có thêm trung tâm dịch vụ nào của Tesla. Trong khi đó, những cửa hàng chính hãng khác của Tesla tại Trung Quốc nằm rải rác ở Thâm Quyến, Hàng Châu, Thanh Đảo và Tây An. Hãng Tesla cũng chưa hề công bố kế hoạch bổ sung cửa hàng tại Trung Quốc. Thay vào đó, trên trang web chính thức, Tesla chỉ khẳng định đang xây dựng các trung tâm dịch vụ mới ở 4 thành phố kể trên ngay tại các cửa hàng chính hãng.

Ngạc nhiên hơn, ở Quảng Châu, thành phố giàu thứ 2 tại Trung Quốc với 15 triệu dân, không hề có cửa hàng chính hãng nào của Tesla. Trong tháng 6/2014, hãng Tesla đã đăng tin tuyển dụng nhân viên cho 5 cửa hàng mới tại Trung Quốc nhưng không có cửa hàng nào ở Quảng Châu. Ngay cả ở Trùng Khánh, thành phố rộng nhất của Trung Quốc, hãng Tesla cũng vắng mặt.

Khu vực Đông Bắc của Trung Quốc với 3 tỉnh và 110 triệu dân hiện bị Tesla bỏ qua. Không hề có cửa hàng hay trung tâm dịch vụ nào ở khu vực này.

Không bắt tay với các doanh nghiệp địa phương

Lý do thứ hai khiến Tesla khó thành công tại thị trường Trung Quốc chính là không bắt tay với các công ty đại tổ hợp thương mại xe hơi cấp tỉnh. Thay vào đó, Tesla một mình sở hữu các cửa hàng và trung tâm dịch vụ tại Trung Quốc. Đây là điều khá lạ tại thị trường Trung Quốc vì các công ty đại tổ hợp thường sở hữu hàng trăm đại lý của nhiều nhãn hiệu xe khác nhau.

Các công ty đại tổ hợp mang lại lợi ích đáng kể cho nhiều nhãn hiệu xe nước ngoài khi tham gia thị trường Trung Quốc vì có mối quan hệ gần gũi với chính quyền địa phương, cả cấp tỉnh lẫn thành phố. Các công ty này sẽ cung cấp công ăn việc làm cho người dân địa phương, bỏ tiền đầu tư và trả thuế. Nhiều tỉnh cũng mua cổ phần của các công ty đại tổ hợp theo phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng hoàn toàn hợp pháp.

Thiếu trạm nạp năng lượng cho xe

Không chỉ cửa hàng và trung tâm dịch vụ, hãng Tesla còn thiếu cả trạm nạp năng lượng cho xe điện Model S tại thị trường Trung Quốc. Theo trang web chính thức của Tesla, hãng hiện có 59 trạm nạp năng lượng cho xe tại Trung Quốc. Phần lớn các trạm đều khá nhỏ, chỉ có thể phục vụ 2 hoặc 4 xe cùng lúc. Trạm nạp năng lượng lớn nhất của Tesla tại Trung Quốc có thể đồng thời phục vụ 8 xe khác nhau.

Ngoài ra, phần lớn các trạm nạp năng lượng cho xe của Tesla đều năm ở miền Đông và Nam tại Trung Quốc. Chỉ có đúng 2 trạm nạp năng lượng cho xe Tesla ở toàn khu vực Đông Bắc. Trong khi đó, ở miền Tây của Trung Quốc, không có trạm nạp năng lượng cho xe Tesla nào. Vì thế, nếu đang sống ở Tây Tạng và mua xe Tesla, bạn chỉ có thể sạc điện bằng… niềm tin.

Một trạm nạp năng lượng cho xe của Tesla ở Trung Quốc.

Một trạm nạp năng lượng cho xe của Tesla ở Trung Quốc.

Thành phố có nhiều trạm nạp năng lượng cho xe Tesla nhất tại Trung Quốc là Thượng Hải có 15 trạm. Con số tương ứng với Bắc Kinh là 7 trạm nhưng không có trạm nào ở phía Tây của thủ đô. Nếu người dân ở phía Tây thủ đô Bắc Kinh muốn sạc xe Tesla, họ sẽ phải lái đến phía Nam hoặc Tây Nam. Thành phố Quảng Châu chứa 4 trạm nạp năng lượng cho xe Tesla dù không hề có cửa hàng hay trung tâm dịch vụ.

Có lẽ suy nghĩ Trung Quốc là thị trường béo bở vì chính sách ưu tiên xe điện của hãng Tesla là sai lầm lớn. Trên thực tế, người tiêu dùng Trung Quốc chỉ chuộng xe điện do các nhãn hiệu trong nước sản xuất. Bản thân quá trình xây dựng cơ sở vật chất tại Trung Quốc cũng không hề đơn giản.

Tại Trung Quốc, không có công ty xây dựng nào có thể bao trọn cả nước. Phần lớn các công ty xây dựng ở Trung Quốc đều chỉ hoạt động ở cấp tỉnh hoặc thành phố. Do đó, hãng Tesla phải mất khá nhiều thời gian nếu muốn xây dựng thêm cửa hàng, trung tâm dịch vụ hoặc trạm nạp năng lượng cho xe. Khó khăn chồng chất khó khăn là viễn cảnh mà hãng Tesla đang vấp phải tại thị trường xe lớn nhất thế giới.