Ô tô bay đã nằm trong mơ ước của con người suốt hàng thế kỷ qua và được chế tạo cũng như thử nghiệm bởi cả các nhà khoa học lẫn những kẻ điên rồ.
Để thỏa mãn một ước mơ một ngày nào đó có thể đi chợ, đón con và đi chơi trên bầu trời thay vì lệ thuộc vào hệ thống đường sá và giao thông dưới mặt đất, con người đã liên tục cố gắng phát triển ô tô bay trong suốt hàng thế kỷ qua.
Bản vẽ xe bay của Leonardo Da Vinci.
Có lẽ người đưa ý tưởng về chiếc xe bay hay chí ít là phương tiện bay cá nhân là họa sỹ kiêm kiến trúc sư đại tài Leonardo Da Vinci. Trong những ghi chép của ông, người ta đã tìm thấy hình ảnh của một thiết bị có cánh quạt giống máy bay trực thăng. Tuy nhiên, rõ ràng thiết kế này chỉ dừng ở mức ý tưởng khi mà bộ khung cũng như hệ thống động lực không đủ điều kiện để có thể di chuyển chứ chưa nói đến chuyện bay lên.
Ngay sau khi anh em nhà Wright phát minh ra máy bay đầu tiên vào năm 1903, ý tưởng về một thiết bị bay cá nhân lại nổi lên. Năm 1904, trong quyển sách Chủ Nhân Của Thế Giới do nhà văn Jules Verne viết đã đề cập đến một phương tiện trông như một chiếc thuyền, một chiếc xe hay một chiếc máy bay có kích cỡ lớn hơn loài chim to nhất và lướt đi trong không trung.
Năm 1917, Glenn Curtiss, người được mệnh danh là “cha đẻ của xe bay” đã giới thiệu một chiếc xe với vỏ bọc bằng nhôm và ba tầng cánh có chiều dài lên tới 40 feet, tương đương 12,2 mét. Ngoài ra, xe còn có một cánh quạt động lực được gắn phía sau xe. Tuy nhiên, chiếc xe này chưa bao giờ được chứng minh là có thể bay được dù người ta nói rằng nó đã nhấc lên khỏi mặt đất vài lần.
Vào năm 1937, chiếc xe mang tên Arrowbile được phát triển bởi Waldo Waterman ra đời. Arrowbile có bộ khung lấy từ xe do hãng Studebaker sản xuất cùng cánh được gắn thêm và một động cơ 100 mã lực nằm ở phía sau. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, dự án sản xuất Arrowbile đã bị hủy bỏ không lâu sau đó.
Cho dù liên tục thất bại trong việc tìm ra cách khiến cho ô tô có thể cất cánh vì hệ thống động lực và thiết kế khí động học có vấn đề nhưng con người chưa bao giờ bỏ cuộc. Đến năm 1938, khi công nghệ máy bay trực thăng mới chớm nở, người ta đã nghĩ đến một chiếc ô tô có cánh và động cơ của máy bay trực thăng. Chiếc xe đã được đưa ra lần đầu tiên trong cuốn sách For Us The Living của Robert A Heinlein.
Robert Fultin, người có kinh nghiệm lâu năm về động cơ hơi nước, đã phát triển một chiếc xe bay mang tên Airphibian vào năm 1946. Thay vì cố gắng phát triển ô tô có thể bay, ông Fultin lại chọn cách giúp một chiếc máy bay có thể di chuyển như một chiếc ô tô trên đường.
Airphibian có thiết kế độc đáo với cánh và đuôi có thể tháo rời, để lại đúng phần thân trước để di chuyển. Bộ phận động lực của Airphibian cũng có thể thu gọn vào trong thân máy bay. Thời gian chuyển đổi giữa hai chế độ bay trên bầu trời và chạy dưới mặt đất kéo dài khoảng 5 phút.
Airphibian đã trở thành ô tô bay đầu tiên được Ủy ban quản lý hàng không dân dụng Mỹ, tiền thân của Ủy ban hàng không Liên bang FFA bây giờ, cấp chứng nhận. Với động cơ 6 xi-lanh, tạo ra công suất tối đa 150 mã lực, máy bay của ông Fultin có thể bay với vận tốc 193 km/ giờ hoặc di chuyển trên mặt đất với vận tốc 80 km/giờ. Mặc dù có vẻ thành công nhưng những vấn đề về tài chính lại ngăn cản Airphibian tiếp tục phát triển.
Vào những năm ‘40, hãng Consolidated Vultee đã phát triển và thậm chí có ý định thương mại hóa một chiếc xe bay với một bộ phận máy bay được gắn trên nóc xe. Chiếc xe được ra mắt vào năm 1947 với mức tiêu thụ 5,2 lít/100 km. Tuy nhiên, kế hoạch thương mại hóa chiếc xe đã bị chấm dứt sau khi gặp tai nạn ở chuyến bay thử thứ 3.
Xuất phát từ chiếc Airphibian, Moulton Taylor đã tạo ra một trong những chiếc ô tô bay được coi là thành công nhất từ trước đến nay. Chiếc Aerocar với thiết kế có thể chuyển đổi từ bay sang chạy và ngược lại mà không bị gián đoạn. Taylor đã dùng sợi thủy tinh để chế tạo Aerocar với cánh quạt dài 3 mét được nối trực tiếp với động cơ.
Aerocar có vận tốc 193 km/giờ trên không và là chiếc ô tô bay thứ hai cũng như cuối cùng được FFA cấp chứng nhận. Vào năm 1970, Ford thậm chí định quảng bá và tung Aerocar ra thị trường nhưng cuối cùng từ chối vì sợ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dầu mỏ.
Năm 1953, Leland Bryan bay thử chiếc xe bay của mình và đã thành công với động cơ đẩy gắn sau. Động cơ vửa có vai trò giúp xe bay và chạy trên mặt đất. Tuy nhiên ông đã phải trả giá bằng chính mạng sống cho phát minh liều lĩnh của mình khi chiếc xe bay gặp tai nạn vào năm 1974 .
Năm 1973, Henry Smolinsky đã kết hợp chiếc xe Ford Pinto với tàu lượn Cessna Skymasster .Đặc biệt, chiếc ô tô bay của Smolinsky có thể tháo rời tàu lượn khi di chuyển trên mặt đất. Tất cả kinh phí cho chiếc xe này rơi vào khoảng 19.000 USD. Đáng tiếc thay, cũng giống Bryan, chiếc xe đã không đạt đủ độ an toàn cần thiết và bị rơi trong quá trình thử nghiệm khiến Smolinsky thiệt mạng.
Không chỉ các hãng dân sự mà cả quân đội Mỹ cũng quan tâm đến những dự án xe bay. Với truyền thống sử dụng không lực ở cường độ cao, quân đội Mỹ đã nảy ra ý tưởng sử dụng động cơ phản lực để đưa người và phương tiện chiến đấu cá nhân vào chiến trường. Từ đó, những dự án như Jetpack hay xe bay Avro Car ra đời với mục đích tạo ưu thế với đối thủ của họ trong chiến tranh lạnh.
Kết quả là một thiết bị như đĩa bay được thành hình. Về sau, khi nhận thấy sự tốn kém của dự án cũng như những tiềm ẩn nguy hiểm khi đưa binh lính bay sát qua đầu đối thủ biến họ thành mục tiêu cho những tay bắn tỉa, quân đội Mỹ dừng dự án.
Cùng với việc phát triển của động cơ phản lực cất/hạ cánh thẳng đứng (VOTL), ý tưởng về chiếc xe sử dụng động cơ phản lực đã được manh mún vào năm 1982. Vào thời điểm đó, một bộ phim giả tưởng có tên Blade Runner đã giới thiệu một chiếc xe cảnh sát có động cơ phản lực Spinner.
Mãi đến năm 2011, ý tưởng về chiếc xe VTOL mới trở thành sự thật khi xe bay Moller Skycar ra lò. Moller Skycar là sản phẩm của Paul Moller, một kỹ sư người Canada đã cố gắng phát triển ô tô bay từ những năm ‘70.
Moller Skycar sử dụng 4 động cơ turbine thay đổi được vector phụt khiến xe có thể di truyển trên không, dưới đất và thậm chí trên mặt nước một cách dễ dàng mà không cần bánh xe, cánh hay phao. Moller Skycar sở hữu vận tốc hành trình 442 km/ giờ và vận tốc tối đa lên tới 603 km/giờ.
Cuối cùng, kinh phí cao lại là vật cản của dự án đưa Moller Skycar ra thị trường. Chuyến bay thử của Moller Skycar đã bị hủy bỏ vào tháng 10/2011. Tuy nhiên dự án đang vấp phải nhiều vấn đề với kinh phí ngày càng đội lên. Sau đó, nhà sản xuất đã khẳng định sẽ làm hết sức để biến Moller Skycar thành hiện thực và được FFA cấp chứng nhận.
Bước tiến mới nhất trong nỗ lực phát triển ô tô bay của con người chính là chiếc xe Terrafugia. Trong tiếng Latin, cái tên Terrafugia có nghĩa là “thoát khỏi trái đất”. Theo quảng cáo của nhà sản xuất, Terrafugia là chiếc xe bay đầu tiên được phép lưu thông trong đô thị.
Với những vật liệu nhẹ và bền như sợi carbon, Terrafugia hứa hẹn có thể đạt vận tốc 100 km/giờ trên đường bộ. Hiện giá bán của Terrafugia dự tính rơi vào khoảng 230.000 USD, tương đương 5,1 tỷ Đồng. Đã có hơn 100 khách hàng đặt cọc trước 10.000 USD để có thể trở thành người đầu tiên sở hữu chiếc xe bay độc đáo này.
Vũ Long