Thổ Nhĩ Kỳ có nền công nghiệp ô tô mạnh, là một phần không thể tách rời trong chuỗi giá trị toàn cầu, khi xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD từ ô tô và phụ tùng. Các tay chơi toàn cầu đặt nhà máy sản xuất ở đây có Fiat, Renault, Toyota, Hyundai, Honda và Ford.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại chưa có một chiếc xe hơi nội địa đúng nghĩa. Thực ra, nước này cũng từng làm ra chiếc xe có tên Devrim, sau đó là Anadol kế nhiệm. Nhưng cả hai đã kết thúc một cách chóng vánh. Devrim chỉ còn là kỷ niệm trong khi Anadol chuyển sang lắp ráp cho Ford. Giờ những chiếc xe Thổ Nhĩ Kỳ có thể gắn mác chỉ là xe buýt và xe tải.

Newswire cho biết, từ nhiều năm qua, đảng AK của Erdogan đã nuôi tham vọng về một mẫu xe "cây nhà lá vườn", coi nó như bằng chứng về sức mạnh kinh tế của đất nước. Chương trình phát triển ngành công nghiệp ô tô được khơi dậy vào năm 2015, bởi Phó Thủ tướng Fikri Isik, người cam kết rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sản xuất xe điện và "đến năm 2020 xe Thổ sẽ có mặt trên đường". Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã là nhà xuất khẩu xe cho nhiều thương hiệu lớn, chủ yếu đến thị trường châu Âu, nhưng nỗ lực nội địa hóa sẽ mang lại bầu không khí mới.

Năm 2017, Thủ tướng Erdogan khẳng định lại ước mơ về việc tự chế xe hơi của người Thổ Nhĩ Kỳ, hứa hẹn sẽ là người đầu tiên xếp hàng mua chiếc xe ấy. "Chúng ta không muốn trì hoãn dự án này thêm nữa. Chúng ta sẽ không để mất thêm thời gian nữa. Tôi sẽ là khách hàng đầu tiên của chiếc xe mới, chắc chắn tôi sẽ trả tiền mua nó", Erdogan tuyên bố và tiết lộ thêm rằng nguyên mẫu sẽ được hoàn thành vào năm 2019.

Erdogan thông báo rằng một nhóm gồm 5 công ty sẽ chịu trách nhiệm làm ra ô tô Thổ Nhĩ Kỳ. Trong "5 người dũng cảm" ấy có nhà khai thác di động Turkcell, Zorlu Holding (công ty mẹ của nhà sản xuất đồ điện gia dụng Vestel), tập đoàn Anadolu Holding, Kiraca Holding và liên doanh Thổ-Qatar BMC Group.

Xe hơi quốc gia nhìn từ Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Tất nhiên, làm ô tô và kiếm được lợi nhuận từ nó không phải nhiệm vụ dễ dàng. Một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi. "Đây là một ý định tốt, nhưng chặng đường sẽ rất dài. Nhóm làm ô tô lại không có kinh nghiệm sản xuất ô tô. Liệu họ có làm được không? Cạnh tranh rất khốc liệt, cả thị trường nội địa và nước ngoài" - Cemal Demirtas, người đứng đầu mảng nghiên cứu của Ata Invest, nhắm ngay đúng trọng tâm.

Erdogan và "5 người dũng cảm" có thể sẽ học hỏi Proton của Malaysia, công ty đi lên từ việc làm mới thương hiệu những chiếc xe Mitsubishi. Để hỗ trợ cho ngành công nghệ xe hơi quốc gia non trẻ, chính phủ Malaysia đã xây dựng nên hàng rào nhập khẩu cao để mang lại cho các nhà sản xuất ô tô địa phương lợi thế giá "nhân tạo". Nhưng đó là một thủ thuật rất khó thực hiện ngày nay, khi có quá nhiều hiệp định thương mại tự do.

Hoặc họ chỉ cần mua lại quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền chiếc Saab 9-3 đã "qua đời" và sử dụng làm nền tảng để phát triển xe hơi quốc gia, như lời ông Fikri Isik, từng làm Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, tiết lộ: "Nó sẽ mang thương hiệu Thổ Nhĩ Kỳ, không còn là Saab. Công nghệ sẽ được phát triển ở Thổ Nhĩ Kỳ", và rằng "sẽ tốt hơn và an toàn hơn Tesla".

Xe hơi quốc gia nhìn từ Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 2.

Chiếc Saab 9-3 2009 ở thị trường Thổ Nhĩ Kỳ

Theo tờ Daily Sabah, quyết định dùng nền tảng của Saab nhằm đẩy nhanh tốc độ, rút ngắn thời gian. Thổ Nhĩ Kỳ có cơ sở để tự tin, khi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu với ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Nhưng ông Isik cũng phải thừa nhận rằng: Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có thể tự xây dựng một nguyên mẫu từ đầu, nhưng sẽ mất tới 5 năm và chi phí lên tới 1 tỷ USD. Chính phủ không muốn lãng phí chừng đó thời gian và tiền bạc. "Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng. Lúc này, Saab 9-3 là nền tảng phù hợp nhất." Nhưng ông không tiết lộ cụ thể hơn, trừ việc nói rằng thương vụ có "giá rất phải chăng".

Tuy nhiên, ông đảm bảo phần của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiếc xe là rất lớn. Chính phủ sẽ cố gắng đảm bảo phần lớn người được tuyển dụng là người trong nước, và chiếc xe được nội địa hóa ít nhất 85%. Theo kế hoạch, chiếc xe sẽ ra mắt thị trường nội địa vào năm 2020.

Trong khi đó, Mattias Bergman, CEO của Saab, cho biết hai bên đã ký kết vào ngày 28/5, và nhóm kỹ thuật của công ty cùng Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ (Tubitak) sẽ hợp tác phát triển thiết kế xe với Saab cung cấp phụ tùng và đánh giá chung hệ thống. "Chúng tôi sẽ chia sẻ nguồn lực trong quá trình phát triển sản phẩm. Tubitak sẽ lấp phần chúng tôi không có."

Ông Isik thì cho biết Tubitak sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo dự án. Chủ sở hữu Saab, National Electric Vehicle Sweden (NEVS), cung cấp cơ sở nhà máy sản xuất cũng như giúp Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng tiếp cận kiến thức và kinh nghiệm sản xuất ô tô. Ngoài ra, NEVS cũng sẽ chia sẻ bí quyết trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh và thiết lập chuỗi phân phối. Bên cạnh đó, có thông tin cho rằng Ankara cũng đang tìm kiếm sự hợp tác từ Bosch và Fiat Chrysler Automobiles.

Xe hơi quốc gia nhìn từ Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 3.

Fikri Isik, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp, nay là Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, khảo sát thứ được cho là nguyên mẫu của chiếc xe nội địa.

Isik nói: Mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là trở thành người chơi lớn trong mảng xe điện, và chiếc xe quốc gia sẽ là nền tảng cho điều đó.