Tháng 10 và 11, VinFast tăng giá các dòng xe SUV Lux SA 2.0 và sedan Lux A2.0 với mức tăng 59-65 triệu đồng/xe tùy phiên bản. Kể từ tháng 11, Lux A2.0 có giá từ 1,099 -1,337 tỷ. Lux SA2.0 có giá mới 1,530 -1,803 tỷ. Trong khi đó, giá bán của Fadil được giữ nguyên.

Chia sẻ về động thái đi ngược thị trường giảm giá xe cuối năm, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh VinFast cho biết "chúng tôi đang kiên định thực hiện kế hoạch của mình, khi từng bước đưa giá xe về mức "3 Không" như đã công bố.

Với giá bán hiện tại, chúng tôi vẫn đang phải bù lỗ rất nhiều cho mỗi chiếc xe bán ra, nhưng bù lại, chúng tôi tự hào vì sản phẩm VinFast đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường và những khách hàng đầu tiên xứng đáng được sở hữu sản phẩm VinFast với giá tốt nhất".

Chính sách "3 Không" của VinFast bao gồm không khấu hao, giá không tính lãi và không tính chi phí tài chính. Giá bán ra của sản phẩm chỉ đúng bằng giá thành sản phẩm cộng với chi phí bán hàng.

Theo số liệu công khai của VinFast, hàng năm hãng phải chịu khoảng 11.000 tỷ chi phí khấu hao và chi phí tài chính, toàn bộ chi phí này được tính vào lỗ hoạt động kinh doanh của công ty.

Tổng đầu tư cho dự án VinFast tính đến 31/12/2020 khoảng 97.408 tỷ đồng (4 tỷ USD), gốc vay dự kiến khoảng 86.254 tỷ đồng, tính riêng chi phí lãi vay hàng năm là 6.565 tỷ đồng và chi phí khấu hao là 4.600 tỷ, toàn bộ số tiền này đang chưa được tính vào giá thành xe Lux.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chơi lớn: Không tính 11.000 tỷ lãi vay và khấu hao hàng năm vào giá xe VinFast, tưởng lỗ nhưng lại là bỏ con săn sắt bắt con cá rô - Ảnh 1.

Hiện tại, xe Lux A2.0 bản tiêu chuẩn có giá vốn là 980,6 triệu đồng, trong đó, 783,7 triệu đồng là giá thành sản xuất, bao gồm các chi phí: Nguyên vật liệu, vận chuyển, thuế nhập khẩu, sản xuất, bảo hành, lưu kho, bán hàng, quản lý…

Tuy nhiên, xe phải gánh thêm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt (tương đương 285,5 triệu đồng) và 10% thuế VAT (126,6 triệu đồng).

Với tổng cộng 412,1 triệu tiền thuế, giá xe thực tế (chính là giá 3 Không ở thời điểm hiện tại) bị đội lên mức 1,392 tỷ đồng.

Với giá bán trên thị trường đang là 1,099 tỷ đồng, VinFast đang chịu lỗ gần 300 triệu đồng cho mỗi chiếc Lux A2.0 bán ra, trong khi đó vẫn đang hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với nhà nước giống như các hãng xe khác trên thị trường.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chơi lớn: Không tính 11.000 tỷ lãi vay và khấu hao hàng năm vào giá xe VinFast, tưởng lỗ nhưng lại là bỏ con săn sắt bắt con cá rô - Ảnh 2.

Chi phí thực tế của xe VinFast (giá thành 3 Không) chưa có thuế giá trị gia tăng

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, mức giá 3 Không của xe Lux A2.0 ở thời điểm hiện tại thấp hơn so với mức hãng công bố khi ra mắt xe vào tháng 11/2018 (1,5 tỷ đồng, bao gồm VAT) là bởi VinFast đã nội địa hóa được nhiều linh kiện, đồng thời tối ưu hóa các quy trình sản xuất, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất và chi phí quản lý sản xuất.

Trong thời gian tới, dựa trên tình hình thực tế VinFast sẽ có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo cân bằng quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chơi lớn: Không tính 11.000 tỷ lãi vay và khấu hao hàng năm vào giá xe VinFast, tưởng lỗ nhưng lại là bỏ con săn sắt bắt con cá rô - Ảnh 3.

Toàn Cảnh Times City thời điểm 2012

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên ông Phạm Nhật Vượng chấp nhận bán lỗ sản phẩm thời kỳ đầu. Giai đoạn 2011-2012 dự án Times City tại Minh Khai, Hà Nội bị cắt lỗ ồ ạt do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản và thị trường ngân hàng lãi suất cao, thời điểm đó Vinschool Times City mới ra mắt.

Ông Vượng đã ban hành chính sách thay đổi cục diện hoàn toàn của Times City: miễn phí 10 năm dịch vụ cho người mua nhà, tặng voucher cho chủ căn hộ bao gồm miễn phí tiền học năm đầu tiên tại Vinschool đồng thời giảm 50% học phí 2 năm tiếp theo, cùng một loạt voucher của Vinmec.

Cú hích này đã khiến giá nhà của Times City tăng từ 24 triệu đồng/m2 thời điểm đáy 2012 lên mức 38 triệu đồng/m2 ở thời điểm hiện tại, khu Park (12 tòa xây giai đoạn 2 của Times City) thậm chí còn được bán với giá 40-45 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, giai đoạn đầu nhiều người còn rất nghi ngờ khi một ông trùm bất động sản chuyển sang làm giáo dục thì nay rất nhiều người chen nhau cho con xin học Vinschool.

Câu chuyện của Times City chỉ là một góc nhỏ trong việc điều hành kinh doanh "khác người" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Thay vì chi tiền quảng cáo sản phẩm, Vingroup chiết khấu trực tiếp vào giá thành để khách hàng tự trải nghiệm dịch vụ, sau đó nâng giá bằng đúng với chi phí thực tế.

Với câu chuyện của VinFast, cần thời gian để trả lời bởi Việt Nam có 96 triệu dân, cơ sở hạ tầng đang ngày càng phát triển tuy nhiên tỷ lệ người sử dụng xe ô tô còn rất thấp.