Tài xế ô tô không bật đèn đúng luật có thể bị phạt tiền như thế nào?
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 26/12/2024 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, các lái xe mô tô, ô tô không bật đèn sau 18 giờ sẽ bị phạt tiền tương ứng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Cụ thể tại điểm g khoản 3 Điều 6 của Nghị định quy định về trường hợp không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Như vậy, so với quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thời gian bật đèn xe thay đổi sớm và kéo dài hơn. Chi tiết, các phương tiện phải bật đèn xe từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau (trước đó quy định thời gian bật đèn xe là 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau).
Ngoài ra, theo điểm g khoản 1 Điều 7 cũng quy định trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
So với quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy tăng cao nhất là 200.000 đồng.
Điều 20 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về sử dụng đèn như sau:
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải bật đèn chiếu sáng phía trước trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần trong các trường hợp sau đây:
a) Khi gặp người đi bộ qua đường;
b) Khi đi trên các đoạn đường qua khu đông dân cư có hệ thống chiếu sáng đang hoạt động;
c) Khi gặp xe đi ngược chiều, trừ trường hợp dải phân cách có khả năng chống chói;
d) Khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng khi thực hiện công việc trên đường bộ phải bật sáng đèn cảnh báo màu vàng.
Tổng hợp