Nhiều chủ cho thuê xe tự lái đã lâm vào tình trạng không biết phải xử lý như thế nào khi nhận thông báo phạt nguội từ cơ quan chức năng sau khi đã thanh lý hợp đồng. Vậy trong trường hợp này chủ xe hay người thuê xe phải chịu trách nhiệm.
Từ lâu, dịch vụ cho thuê xe tự lái đã phát triển rầm rộ tại Việt Nam do mạng lại nhiều lợi ích về giá trị kinh tế. Đặc biệt là các dịp lễ Tết, nhiều đơn vị còn “cháy” xe không đủ để cho thuê. Bên cạnh đó, nhiều người có xe nhưng ít sử dụng cũng tận dụng các dịp ngày nghỉ, lễ Tết để cho thuê xe kiếm thêm thu nhập.
Tuy nhiên, công việc nào cũng có khó khăn và nhiều vấn đề nan giải. Đặc biệt là khi cơ quan chức năng tăng cường xử lý phạt nguội ngày càng một được đẩy mạnh và xử lý nghiêm.
Đã có nhiều trường hợp, sau khi thanh lý hợp đồng với khách thuê, chủ xe bỗng nhận được thông báo phạt nguội. Mà lỗi lại do khách thuê gây ra. Ở tình huống này, chủ xe bỏ tiền túi ra nộp phạt không đành, "bắt đền" khách thuê không xong. Vậy phải giải quyết như thế nào?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt như sau:
Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
- Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện;
- Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền bằng hai lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.
Do đó, trong trường hợp xe cho thuê bị phạt nguội, chủ xe sẽ là người được cơ quan chức năng liên hệ xử lý. Dù chủ xe không trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm nhưng vẫn bắt buộc phải đến theo thông báo và có nghĩa vụ hợp tác với lực lượng cơ quan chức năng để xác định người trực tiếp lái xe thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu chủ xe chứng minh được mình không thực hiện và hỗ trợ CSGT xác định chính xác người vi phạm, chủ xe sẽ không phải nộp phạt nguội.
Tuy nhiên nếu xác định được người vị phạm nhưng người đó cố tình không nộp phạt nguội, chủ xe sẽ vướng vào rắc rối với việc đăng kiểm ô tô. Bởi nếu để quá hạn mà không nộp phạt, CSGT sẽ gửi thông báo đưa phương tiện vào phần mềm cảnh báo đăng điểm, dẫn tới phương tiện sẽ bị từ chối đăng kiểm.
Trường hợp không xác định được hoặc không có căn cứ để yêu cầu người thuê xe nộp phạt (ví dụ như hợp đồng thuê xe giữa hai bên) thì chủ xe là người phải chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm đã bị dính phạt nguội.
Vì vậy, để tránh những rắc rối liên quan đến phạt nguội khi cho thuê, chủ xe khi làm hợp đồng cho thuê cần quy định rõ các nội dung liên quan đến việc chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng khi lái xe để xảy ra vi phạm để sau này nếu phải nộp phạt thay cho bên thuê xe thì có căn cứ để yêu cầu hoàn trả. Nếu bên thuê không trả có thể khởi kiện yêu cầu bên thuê trả tiền.
Ngoài ra, khi nhận bàn giao xe từ người thuê, chủ xe có thể yêu cầu bên thuê cọc tiền trong thời gian từ 15 ngày đến 1 tháng. Trong thời gian đó, chủ xe cần kiểm tra phạt nguội trên các website hỗ trợ kiểm tra phạt nguội của cơ quan chức năng. Nếu có vi phạm đối với xe đã cho thuê, chủ xe chủ động khấu trừ tiền cọc để nộp phạt. Trường hợp không phát hiện vi phạm trong thời hạn cọc tiền, chủ xe trả lại cho bên thuê số tiền cọc đã giữ.