Quy định về mức xử phạt mới đối với các trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ) theo Nghị định 168 thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Tại các thành phố lớn, đa số người tham gia giao thông đã có ý thức chấp hành các quy định mới.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, một số trường hợp không bị xử phạt khi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, trong đó có xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ.

Nguyên nhân là Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết.

Những trường hợp vượt đèn đỏ không bị xử phạt- Ảnh 1.

Theo Nghị định 168, tài xế ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt 18 - 20 triệu đồng; mức phạt đối với người lái xe máy là 4 - 6 triệu đồng.

Theo quy định hiện hành, xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ gồm: Xe chữa cháy của cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.

Đoàn xe có xe cảnh sát giao thông dẫn đường; xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.

Ngoại trừ đoàn xe tang, các xe ưu tiên còn lại đều không bị hạn chế tốc độ; được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông, đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được.

Đối với đường cao tốc, các xe này chỉ được đi ngược chiều trên làn dừng xe khẩn cấp; phải tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, biển báo hiệu tạm thời.

Như vậy, các xe ưu tiên (ngoại trừ đoàn xe tang) không vi phạm nếu đi không đúng theo tín hiệu đèn giao thông.

Đồng thời, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên như sau: Thứ nhất là hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; thứ hai là tín hiệu đèn giao thông; thứ ba là biển báo hiệu đường bộ; thứ tư là vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường…

Do vậy, khi đi qua nút giao, lực lượng cảnh sát sẽ căn cứ tình hình thực tế và ra hiệu lệnh cho luồng phương tiện di chuyển hoặc dừng lại. Lúc này, tài xế được phép không tuân theo tín hiệu đèn và không bị xử phạt.

Ngoài ra, thời gian gần đây cũng xuất hiện một số trụ đèn tín hiệu giao thông gặp trục trặc, đột ngột chuyển màu hay chuyển màu khi chưa hết thời gian đếm giây, hết thời gian đếm giờ nhưng không đổi màu đèn, dẫn đến việc người dân vô tình vi phạm giao thông.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định tại những nút giao có hiện tượng "nhảy đèn", cảnh sát sẽ không xử phạt.

"Người dân yên tâm là sẽ không bị cảnh sát giao thông phạt oan, phạt sai trong các trường hợp này", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.