Khi Lee Dong-hee tới Ulsan làm việc cho Hyundai Heavy Industries 5 năm trước, các bãi tàu trong thành phố được mệnh danh là thành phố Hyundai này vẫn hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm mang tới cơ hội đổi đời cho công nhân cả nước tụ họp về.

Khi đó, công nhân tại Ulsan có thể kiếm được gấp 3 lần thu nhập trung bình của công nhân Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Lee (52 tuổi) mất việc vào tháng 1 năm nay cùng 27.000 người khác xuyên suốt từ 2015 tới 2017 khi ngành công nghiệp đóng thuyền sa sút và số đơn đặt hàng cũng giảm thê thảm.

Để có thể tiếp tục có nguồn thu nuôi sống gia đình, vợ ông Lee phải nhận một công việc lương tối thiểu tại một hãng cung ứng cho Hyundai. Con gái 20 tuổi của ông đang theo học tại một trường đại học có liên hệ mật thiết với Hyundai để tăng cơ hội vào làm việc tại đây cũng đang tìm kiếm hướng đi khác.

Vận rủi của gia đình ông Lee là tấm gương phản ánh chân thực nhất tình trạng xuống cấp của Ulsan hiện giờ. Sự cạnh tranh gắt gao từ các tập đoàn Trung Quốc, chi phí nhân công tăng cao và việc quá phụ thuộc vào Hyundai – một trong những tài phiệt (Chaebol) lớn nhất Hàn Quốc khiến Ulsan tụt dốc thê thảm khi mất đi chỗ dựa vững chắc.

“Thành phố Hyundai”: Từ thiên đường hóa địa ngục - Ảnh 1.

Thế hệ công nhân của ông Lee từng góp phần thay đổi bộ mặt Hàn Quốc từ tro tàn sau nội chiến Nam-Bắc Hàn 1950 – 1953 thành một trong những cường quốc công nghiệp và sản xuất toàn cầu, đồng thời biến thành phố biển Ulsan nằm ở phía Đông Nam nước này thành thành phố giàu nhất cả nước vào năm 2007.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều tài phiệt Hàn Quốc ngủ quên trên chiến thắng dẫn tới việc chậm thay đổi, thích ứng và chỉ dám đưa ra những quyết định quá an toàn, thiếu đột biến, họ đã phần nào thất thế trước các đối thủ ngoại quốc.

Việc Hàn Quốc dựa dẫm vào xuất khẩu cũng khiến nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á của họ dễ bị đe dọa bởi các chính sách bảo hộ từ các đối tác thương mại lớn cũng như các sự kiện có thể gây ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu (như chiến tranh thương mại Trung – Mỹ hiện tại).

“Thành phố Hyundai”: Từ thiên đường hóa địa ngục - Ảnh 2.

Với việc nhóm công nhân trẻ “bỏ của chạy lấy người” tìm công việc ở các thành phố khác, Ulsan hiện là thành phố có tuổi đời trung bình cao nhất Hàn Quốc. Đây cũng là nơi duy nhất trong cả Hàn Quốc tụt giảm dân số trong năm 2016 vì lượng người dời đi quá cao.

   

“Thành phố Hyundai”: Từ thiên đường hóa địa ngục - Ảnh 3.

Xét về nhiều lĩnh vực, tình cảnh mà Ulsan phải đối mặt cũng tương tự vùng Trung Tây nước Mỹ vào giai đoạn thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước khi vùng đất công nghiệp trù phú bị “tàn phá” bởi số người mất việc nhiều không đong đếm được dẫn tới di cư hàng loạt. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo Ulsan – dù hiện vẫn là nơi có tổ hợp đóng tàu và lắp ráp ô tô lớn nhất thế giới, có thể sẽ trở thành “điểm đen” của nền kinh tế Hàn Quốc nếu không tìm được hướng đi đúng đắn.

“Thành phố Hyundai”: Từ thiên đường hóa địa ngục - Ảnh 4.

Hyundai Motor được thành lập tại Ulsan vào năm 1967 bởi ông Chung Ju-yung trong khi Hyundai Heavy xuất hiện 6 năm sau đó. Cả 2 góp phần biến ngôi làng đánh cá nhỏ nổi tiếng với nghề săn bắt cá voi thành một thành phố công nghiệp đúng nghĩa. Trong suốt những thập kỷ sau đó, lượng người từ khắp Hàn Quốc đổ về đây tìm kiếm công việc nhiều vô kể bởi những đặc tính mà không nơi nào khác có: lương cao cho công nhân, được hỗ trợ nhà ở cũng như nhiều lợi ích phụ hào phóng.

Khi đó, hình ảnh công nhân mặc áo Hyundai lái xe Hyundai, mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa Hyundai, sống ở chung cư Hyundai và tới bệnh viện Hyundai chữa trị đã nói lên tất cả về độ “thống trị” của tài phiệt Hàn Quốc này. Con cái của họ cũng theo học tại các trường phổ thông vài đại học liên kết với Hyundai.

“Thành phố Hyundai”: Từ thiên đường hóa địa ngục - Ảnh 5.

Tuy nhiên, khi tình hình dần trở nên xấu đi, Hyundai đã “phản ứng” rất nhanh bằng cách bán đi nhiều tài sản của mình như khu nhà trọ bình dân cho công nhân và một tổ hợp nhà ở rất lớn khác cho các khách hàng ngoại quốc như BP hay Exxon Mobil. Rất nhanh chóng, sự khó khăn của Hyundai Heavy lan tỏa ra khắp Ulsan và ảnh hưởng tới toàn bộ những con người đang sinh sống và làm việc tại đây.

Cửa hàng mì của Eom Soon-ui cách trụ sở Hyundai Heavy chỉ vài tòa nhà và vốn là một điểm đến khá ưa thích của giới công nhân Hyundai nhưng giờ việc kinh doanh của cô cũng như rất nhiều cửa tiệm xung quanh đó gần như đã về tiệm cận số 0. Hàng chục cửa hàng ăn lẫn các cửa hàng mở ra để chăm sóc công nhân Hyundai đã đồng loạt đóng cửa.

“Hyundai là nguồn sống của chúng tôi. Họ làm tốt, chúng tôi cũng vậy. Giờ họ gặp khó chúng tôi cũng chịu khổ theo”, cô chia sẻ.

Ulsan chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm ngoái – mức thấp nhất từ năm 2000 trở lại đây (đỉnh là 19% vào năm 2008). Tỉ lệ tự tử của Ulsan tăng vọt từ 2005 trở lại với 182 vụ tự tử chỉ trong nửa đầu năm 2018 – tất cả đã nói lên tình cảnh bết bát không chỉ của Hyundai mà còn với cả thành phố nói chung. Tình hình tệ hại tới mức giới taxi không dám trả khách trên cầu Ulsan mới nữa.

“Thành phố Hyundai”: Từ thiên đường hóa địa ngục - Ảnh 6.

   

“Thành phố Hyundai”: Từ thiên đường hóa địa ngục - Ảnh 7.

Sau khi ngành công nghiệp đóng tàu điêu đứng, các công nhân lắp ráp xe của Hyundai cũng đang sống trong những tháng ngày đầy lo lắng. Hyundai Motor gần đây cũng bắt đầu dời dây chuyền sản xuất sang nước ngoài. Theo thông tin từ Reuters, sản lượng xe nội địa của họ sẽ chỉ còn khoảng 37% tổng sản lượng toàn cầu vào cuối năm nay so với mức 80% vào năm 2004.

Theo các quan chức Hyundai, họ phải chuyển dịch sang nước ngoài bởi giá nhân công trong nước tăng cao đồng thời sức ép từ các công đoàn rất lớn. Tuy nhiên, công nhân của họ lại không nghĩ như vậy khi cho rằng nguyên nhân chính là sự yếu kém của ban lãnh đạo khi không dự đoán được sư bùng nổ của phân khúc SUV trong thời gian qua lẫn chậm chân trong chuyển đổi sang xe điện.

“Thành phố Hyundai”: Từ thiên đường hóa địa ngục - Ảnh 8.

Hyundai Motor từ chối bình luận về sự việc này. Đầu năm nay họ từng hứa hẹn thuê thêm 45.000 nhân công trong vòng 5 năm tới, đồng thời đẩy mạnh các mảng kinh doanh mới như “quần áo robot” hay trí thông minh nhân tạo.

Dù vậy, việc Hàn Quốc dựa dẫm quá nhiều vào các tài phiệt của mình tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. 10 tài phiệt hàng đầu của quốc gia này chiếm 66% tổng GDP cả nước trong năm 2017 trong khi tại Mỹ, 500 công ty hàng đầu cũng chỉ có thể đóng góp 65% GDP. Nếu các tài phiệt “ngủ quên trên chiến thắng”, Hàn Quốc cũng sẽ chịu ảnh hưởng không hề nhỏ và đây chính xác là những gì đang xảy ra.

Nhờ vị thế thống trị trong nước của mình, rất nhiều tài phiệt Hàn Quốc không dám mạo hiểm và đổi mới dẫn tới việc chậm chân so với các đối thủ. Dẫn chứng của các công nhân Hyundai phía trên phần nào đã minh chứng cho điều đó.  

  

“Thành phố Hyundai”: Từ thiên đường hóa địa ngục - Ảnh 9.

Ulsan, suy cho cùng, cũng là hệ quả tất yếu từ những rủi ro mà Hàn Quốc đã phải đối mặt từ trước mà thôi. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 5 đã phải gọi khu vực này là “khủng hoảng công nghiệp quốc gia”, đồng thời chi ngân sách 890 triệu USD để giúp đỡ khôi phục Ulsan cũng như các thành phố công nghiệp khác của Hàn Quốc đang xuống dốc.

Ông cũng cho biết nền kinh tế dựa dẫm quá nhiều vào các tài phiệt đã đạt tới giới hạn của mình, đồng thời gia tăng khoảng cách giàu-nghèo trong nước. Các lĩnh vực công nghiệp khác sẽ (và phải) được chú trọng, chẳng hạn như Seoul tập trung vào xe tự lái, pin nhiên liệu, nhà máy vận hành thông minh và drone.

“Thành phố Hyundai”: Từ thiên đường hóa địa ngục - Ảnh 10.

Ngay cả như vậy, ông Lee cũng như nhiều công nhân Hyundai trước kia cho biết họ không cảm giác chính sách mới sẽ giúp được mình. Ông Lee đã theo học nghề sơn, hàn và trang trí nội thất để làm việc trong ngành xây dựng/nhà ở nhưng ngay cả cánh cửa mới này cũng có thể đóng lại với ông bất cứ lúc nào bởi thị trường bất động sản Hàn Quốc cũng đang bấp bênh.

Ha M.H, một công nhân kỳ cựu của Hyundai Heavy đã làm việc tại đây 36 năm chua chát thừa nhận Ulsan giờ chỉ còn là “thiên đường đã mất”, tất cả bạn bè của ông đều đã bỏ đi và ông là người cuối cùng còn có mặt tại đây.

Tham khảo: Reuters