Hôm qua 15/2, chính quyền Mỹ đã chính thức công bố các tiêu chuẩn mới để mở rộng mạng lưới sạc xe điện quốc gia. Đây là chính sách nhằm khuyến khích việc áp dụng xe điện rộng rãi bằng cách cung cấp trải nghiệm người dùng toàn diện và đồng nhất. Theo đó, tất cả các trạm sạc sẽ sớm được yêu cầu áp dụng cùng loại đầu nối, phương thức thanh toán và đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu. Những tiêu chuẩn mới này đã lần đầu tiên thúc đẩy Tesla chuyển đổi một phần mạng lưới trạm sạc độc quyền của mình để chúng có thể tương thích với các xe điện không phải do hãng sản xuất ở Mỹ.

Mục tiêu cuối cùng của chính quyền Mỹ là xây dựng 500.000 bộ sạc xe điện trên toàn quốc vào năm 2030. Tesla cũng đã cam kết sẽ cung cấp "ít nhất 7.500 bộ sạc cho tất cả xe điện vào cuối năm 2024". Con số này sẽ sẽ bao gồm 3.500 bộ sạc Supercharger 250 kW mới và hiện có dọc theo hành lang các đường cao tốc và 4.000 bộ sạc chậm hơn tại các khách sạn và nhà hàng ở khu vực thành thị và nông thôn.

Mỹ quyết chuẩn hóa trải nghiệm sạc xe điện, Tesla đồng ý mở mạng lưới sạc cho mọi phương tiện: Cơ hội để VinFast bùng nổ doanh số đã tới? - Ảnh 1.

Tesla đang sở hữu mạng lưới trạm sạc lớn và nhanh nhất ở Mỹ.

Như vậy, bất kỳ người lái xe điện nào cũng có thể sử dụng ứng dụng hoặc trang web của Tesla để truy cập các trạm sạc này. Nhưng hiện tại vẫn chưa rõ Tesla sẽ điều chỉnh mạng lưới sạc của mình như thế nào để tuân thủ các tiêu chuẩn về loại đầu nối mới. Hiện tại, Tesla sử dụng cổng sạc NACS độc quyền và trạm sạc công cộng của họ chỉ có thể sạc cho các loại xe sử dụng đúng cổng sạc loại này.

Trong khi đó, hầu hết xe điện khác đều sử dụng cổng sạc CCS, đồng nghĩa không thể sử dụng trạm sạc của Tesla. Tuy nhiên, báo cáo của Reuters cho biết bất kỳ công ty nào muốn hy vọng giành được một phần trong gói tài trợ 7,5 tỷ USD cho sáng kiến xe điện của chính quyền Mỹ sẽ phải áp dụng đầu sạc tiêu chuẩn CCS. Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tesla sẽ áp dụng tiêu chuẩn CCS, thậm chí đã có "giải pháp phần cứng và phần mềm" cho việc này và có thể đủ điều kiện nhận các khoản tài trợ để trang bị thêm cho mạng lưới sạc điện của mình.

Đầu năm nay, trang Insideevs đã báo cáo rằng giải pháp của Tesla có thể là một “Magic Dock” bí ẩn được trang bị thêm tại các trạm sạc Tesla để sạc những chiếc xe điện không phải của hãng. Nhưng không ai biết chính xác chuẩn kết nối này sẽ hoạt động như thế nào.

Đây được xem là tin vui cho không chỉ các nhà sản xuất xe điện tại Mỹ, mà cho cả các công ty xe điện muốn xâm nhập thị trường này. VinFast – hãng xe điện Việt Nam – cũng đã gia nhập thị trường và chuẩn bị bàn giao mẫu crossover VF8 trong quý I năm nay. Sau VF8, VinFast tiếp tục cung cấp 3 mẫu xe khác gồm VF9, VF7 và VF6 tại thị trường Mỹ.

Và theo các nhà phân tích, việc áp dụng tiêu chuẩn CCS có thể làm giảm động cơ mua xe Tesla của một số người tiêu dùng. Từ trước tới nay, người sở hữu xe Tesla đã được hưởng quyền truy cập độc quyền vào mạng lưới Supercharger lớn nhất và sạc nhanh nhất ở quốc gia này. Nhưng sắp tới, bất kỳ chủ sở hữu xe điện nào cũng sẽ sớm được hưởng lợi ích tương tự mà không cần mua xe Tesla.

Tesla hiện không trả lời các yêu cầu bình luận.

Mỹ quyết chuẩn hóa trải nghiệm sạc xe điện, Tesla đồng ý mở mạng lưới sạc cho mọi phương tiện: Cơ hội để VinFast bùng nổ doanh số đã tới? - Ảnh 2.

Những chiếc xe điện đầu tiên của VinFast tại Mỹ sẽ tới tay khách hàng trong quý I năm nay.

Trong khi đó, điều phối viên về cơ sở hạ tầng tại Nhà Trắng, Mitch Landrieu, cho biết trong một cuộc họp báo rằng bất chấp rủi ro nói trên đối với doanh số bán xe điện của mình, CEO Tesla Elon Musk dường như "rất cởi mở" trong việc giúp chính quyền đạt được các mục tiêu đầy tham vọng.

Tesla không phải là công ty duy nhất mà chính quyền Mỹ đang dựa vào để mở rộng mạng lưới sạc xe điện của đất nước. Hơn một chục công ty đã cam kết bổ sung "hơn 100.000 bộ sạc công cộng có sẵn cho tất cả các xe điện". Những công ty này bao gồm các nhà sản xuất ô tô như General Motors, Mercedes-Benz, Volvo và Ford, cũng như các bên liên quan khác trong ngành bao gồm Hertz, BP, Pilot Company, EVgo, TravelCenters of America, ChargePoint, Electrify America và Starbucks.

Trong khi chương trình này sẽ giúp chính quyền Mỹ đạt được sứ mệnh điện khí hóa, thì trên thực tế nó còn có mục tiêu lớn hơn chính là đẩy mạnh sản xuất xe điện và bộ sạc xe điện trong nước. Để đạt được mục tiêu đó, kế hoạch của tổng thống Biden yêu cầu tất cả các bộ sạc xe điện do liên bang tài trợ phải được sản xuất tại Mỹ. Các công ty có thời hạn đến tháng 7/2024 để đảm bảo rằng 55% chi phí của tất cả các thành phần cho bộ sạc xe điện mới được trả cho các nhà sản xuất trong nước. Bất kỳ thiết bị nào không đáp ứng tiêu chuẩn đó phải được lắp đặt trước tháng 10/2024. Chính quyền Mỹ kỳ vọng rằng việc yêu cầu đầu tư liên tục sẽ hỗ trợ sự phát triển của chuỗi cung ứng nội địa một cách đáng tin cậy.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng kế hoạch này sẽ ngay lập tức khiến Mỹ sở hữu chuỗi cung ứng trạm sạc đáng tin cậy. Reuters đưa tin rằng Liên minh châu Âu và Mexico đã lên tiếng lo ngại rằng Mỹ đang phân biệt đối xử với các nhà sản xuất xe điện nước ngoài, đồng thời gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng. Tesla thì lo lắng rằng "tốc độ và quy mô triển khai" trong kế hoạch này là quá tham vọng và có thể tạo ra "sự thiếu hụt về số lượng trạm sạc tuân thủ đúng tiêu chuẩn."

Tham khảo Reuters, ArsTechnica