Hôm 22/11, Honda Nhật Bản thông báo trên website chính thức về việc triệu hồi 37.050 xe Lead 125 nhập khẩu từ thị trường Việt Nam. Lý do cho đợt triệu hồi này là trong quá trình sản xuất dây ga có điểm chưa phù hợp nên bọc cáp bên trong dây ga có thể bị hư hại.  

Từ đó, nước có cơ hội rò rỉ vào trong ống bọc cáp và đóng băng dưới điều kiện nhiệt độ thấp ở Nhật Bản, dẫn đến việc cáp dây ga không di chuyển được, gây ra kẹt ga. Xấu nhất là tình trạng xe không thể giảm tốc dù đã giảm ga. Honda Nhật Bản đưa ra giải pháp là thay thế bằng một dây ga khác phù hợp hơn.

Honda Lead tại Việt Nam chưa phát hiện lỗi như 37.000 xe triệu hồi tại Nhật Bản - Ảnh 1.

Xe Honda Lead 125 tại Việt Nam không thuộc phạm vi triệu hồi.

Phía Honda Việt Nam cho biết: "Vào ngày 22 tháng 11 năm 2018, Honda đã có báo cáo tới Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản về chiến dịch cập nhật sản phẩm Lead được nhập khẩu từ Việt Nam. Có một điểm quan trọng Honda Việt Nam muốn nhấn mạnh ở đây rằng theo luật ở Nhật Bản, sự việc này được phân loại là chiến dịch "cập nhật sản phẩm", không phải là chiến dịch "triệu hồi". Lỗi xảy ra chỉ liên quan đến nhiệt độ xuống rất thấp vào mùa đông tại Nhật Bản".

Phía Honda Việt Nam còn khẳng định thêm, mẫu xe Lead ở thị trường Nhật Bản và Việt Nam sử dụng cùng một loại dây ga. Tuy nhiên, hiện tượng dây ga bị hư hại chỉ xảy ra khi bị nước rò rỉ và đóng băng dưới nhiệt độ cực thấp. Cho đến nay vẫn chưa ghi nhận được bất cứ báo cáo nào về dây ga của xe Lead bị lỗi tại thị trường Việt Nam.

Những mẫu xe Honda Lead thuộc diện triệu hồi tại Nhật Bản bao gồm phiên bản 2013 (sản xuất từ 16/5/2013 đến 24/4/2015), phiên bản năm 2015 (sản xuất từ 24/4/2015 đến 22/2/2016) và phiên bản 2016 (14/3/2016 tới 29/8/2017). Honda Nhật Bản bắt đầu thay thế dây ga mới từ ngày 23/11/2018.

Trước đó, theo thông tin từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản, đã có trường hợp tai nạn vào tháng 1/2018, đó là một người đang chạy xe ở tỉnh Kanagawa. Người này đã nhả ga nhưng chiếc xe không dừng lại, rồi buộc phải phanh ở tốc độ cao dẫn tới tai nạn, hậu quả là gãy xương sườn và chân trái. Hiện có 6 trường hợp đã được phát hiện dính đến lỗi này.