Trên tuyến phố mới đi qua khu Đô thị Đồng Tàu thuộc phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), hàng loạt xe limousine, xe khách dán logo VTV lên thân xe để lưu thông trên đường dù không được phép. Các logo dán này có đủ 3 màu sắc đỏ, xanh lá và xanh dương. Quan sát bằng mắt thường, không khó để nhận biết đây là logo đã được đăng kí bảo hộ nhãn hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

Hà Nội: Nhiều xe limousine, xe khách dán logo VTV dù không được phép- Ảnh 1.

Xe vận tải hành khách dán logo VTV tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Nhãn hiệu VTV dù đã được Đài Truyền hình Việt Nam đăng ký bảo hộ trong nước và tại 36 quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, sự xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu này vẫn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam và mất không ít thời gian để xử lý.

Theo các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, Đài Truyền hình Việt Nam được độc quyền sử dụng nhãn hiệu VTV. Tất cả các hành vi sử dụng trùng logo VTV hoặc tương tự dưới một nhãn hiệu hoặc trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn đều là hành vi vi phạm pháp luật. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn sử dụng logo VTV phải được sự cho phép của Đài Truyền hình Việt Nam.

Đài Truyền hình Việt Nam có đầy đủ các quyền tự bảo vệ như theo quy định, có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác.

Các biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

Thứ nhất, áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Đài có thể đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về quyền sở hữu trí tuệ lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, bản gốc và bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng...nhằm thông báo rằng sản phẩm này là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm.

Thứ hai, yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

Thứ ba, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thứ tư, khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

+ Các biện pháp xử lý cụ thể bao gồm: Dân sự, hành chính, hình sự (bên cạnh các biện pháp khác là biên giới, chống cạnh tranh không lành mạnh)

Theo ghi nhận của phóng viên, những chiếc xe dán logo VTV trá hình thường xuyên đậu đỗ để chờ đón khách lên xe tuyến Hà Nội – Thanh Hóa. Theo một lái xe ở đây, mỗi lượt khách đi tuyến Hà Nội – Thanh Hóa sẽ phải trả phí 250.000 đồng/lượt. Khách hàng tại Hà Nội sẽ được trung chuyển về đây bằng xe ô tô 7 chỗ của nhà xe và khi đến Thanh Hóa, hành khách cũng sẽ được đưa đến tận nhà bằng xe ô tô con trung chuyển.

"250 nghìn một vé, đưa đón tận nhà. Ra đây thì có xe nhỏ đưa đón, về nhà thì có xe 7 chỗ trung chuyển chứ xe này (xe giường nằm 26 chỗ) không về tận ngõ được" - lái xe này nói thêm.

Hà Nội: Nhiều xe limousine, xe khách dán logo VTV dù không được phép- Ảnh 2.

Việc sử dụng logo của VTV mà không có sự cho phép của Đài Truyền hình Việt Nam là vi phạm nhãn hiệu đã được đăng kí bảo hộ

Hà Nội: Nhiều xe limousine, xe khách dán logo VTV dù không được phép- Ảnh 3.

Tổ công tác Công an phường Thịnh Liệt kiểm tra các điểm đón trả khách trái phép

Khu vực này có 3 nhà xe Anh Quang Limousine với Minh Long Limousine và Hoàng Anh Limousine với tổng số lượng khoảng hơn 10 xe. Chuyến xe chạy sớm nhất là 3h sáng, muộn nhất là 23h đêm. Hai địa điểm nhà xe này là địa điểm trung chuyển đưa đón khách tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, thường xuyên có khách ngồi chờ tại các địa điểm này.

Phối hợp cùng tổ công tác Công an phường Thịnh Liệt kiểm tra các cơ sở này, nhóm phóng viên phát hiện những chiếc xe chở khách có dán logo VTV không có bất cứ hợp đồng nào với VTV về việc sử dụng nhãn hiệu đã được đăng kí bảo hộ. Khi được hỏi về mục đích dán logo VTV, lái xe khẳng định dán lên xe là để quảng cáo cho VTVgo.

"Em dán vào để giới thiệu cho khách hàng biết đến VTVgo này thôi, không có mục đích gì khác cả. Em có 1 xe không dán thôi, còn lại 4 xe là có dán. Ở đây bọn em không làm điểm đón trả khách, chỉ có hợp đồng. Khách ra chỗ nào là trả chỗ đấy thôi. Ở đây không làm điểm đón trả khách" - lái xe Phạm Thanh An cho biết.

Hà Nội: Nhiều xe limousine, xe khách dán logo VTV dù không được phép- Ảnh 4.

Lực lượng chức năng lập biên bản việc lái xe dán logo VTV không có sự cho phép của Đài Truyền hình Việt Nam

Hà Nội: Nhiều xe limousine, xe khách dán logo VTV dù không được phép- Ảnh 5.

Các lái xe bóc logo VTV trên các xe vi phạm

Tại buổi kiểm tra, Trung tá Nguyễn Hồng Hà, cán bộ Công an Phường Thịnh Liệt nhấn mạnh với lái xe vi phạm: "Hành vi của anh đang có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu sản phẩm, thương hiệu được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Thương hiệu VTV được pháp luật bảo hộ. Không có cá nhân, tổ chức nào được sử dụng thương hiệu VTV mà không được sự đồng ý. Yêu cầu anh tháo gỡ toàn bộ logo VTV. Yêu cầu anh cam kết từ nay về sau không tiếp tục vi phạm như này nữa".

Sau buổi làm việc của Tổ công tác Công an phường Thịnh Liệt, toàn bộ logo VTV trên thân xe đã được các lái xe bóc ra. Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, hành vi phạm về quyền với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp có thể bị xử phạt tối đa 250 triệu đồng đối với cá nhân và tối đa 500 triệu đồng đối với doanh nghiệp.

Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài truyền hình quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dễ nhận thấy nhất là tình trạng nhan nhản các xe ô tô dân sự, xe kinh doanh vận tải "hồn nhiên" dán nhãn VTV chạy trên đường. Chưa bàn về thiệt hại kinh tế nhưng hiệu ứng xã hội bất lợi cho VTV rất dễ xảy ra nếu chủ các phương tiện này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Để ngăn chặn những hành vi này, ngoài việc tuyên truyền, cảnh báo tới các đối tượng vi phạm, sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp và người dân là vô cùng quan trọng.

Các quyền chủ yếu của Đài THVN đối với nhãn hiệu:

+ Quyền đối với nhãn hiệu có tính chất lãnh thổ. Tại Việt Nam và các nước đã được đăng ký, Đài có độc quyền sử dụng nhãn hiệu trên hoặc liên quan đến đối tượng và có thể cho chủ thể khác sử dụng nhãn hiệu (trên các điều kiện thỏa thuận khác nhau).

+ Đài có quyền thực thi độc quyền của mình đối với nhãn hiệu VTV thông qua hệ thống pháp luật Việt Nam (các pháp luật tại nước mà Đài THVN đã đăng ký nhãn hiệu VTV).

+ Theo đề nghị của Đài, các cơ quan có thẩm quyền thực thi quyền Sở hữu trí tuệ có thể ngăn cấm bất kỳ chủ thể nào sử dụng gây ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của Đài.