“Hà Giang đường khó đi lắm, nguy hiểm lắm” là câu nói mà tôi thường được nghe mỗi khi tôi đề cập đến việc tự lái xe lên đây.

Tôi là Hải Nam, 30 tuổi, đang làm nhiếp ảnh và rất yêu thích du lịch, đặc biệt thích cầm lái chiếc xe của mình để khám phá những miền đất mới lạ. Chiếc xe của tôi là Kia CD5 đời 1999, tính đến nay đã hơn 20 năm tuổi. Tôi mua lại chiếc xe này cách đây 4 năm với giá 80 triệu đồng, bỏ thêm 80 triệu nữa để khôi phục và nó đã đồng hành cùng gia đình tôi đi đến rất nhiều nơi ở khu vực phía Bắc. Với chiếc xe này, tôi đã đến Mộc Châu hai lần, đến Sa Pa một lần và cả nhiều tỉnh thành khác nữa. Tuy nhiên, đã từ lâu tôi ấp ủ ý định cầm lái chiếc Kia CD5 này từ Hà Nội tới Hà Giang, đến vùng đất địa đầu Tổ quốc, mà mãi đến này mới thực hiện được.

Gia đình 9X Hà thành vượt hơn 1.000km lên Hà Giang bằng ô tô 80 triệu: ‘Không khủng khiếp như lời đồn’ - Ảnh 1.

Đừng nghe lời đồn

Khi biết về dự định lái chiếc ô tô cũ kỹ đã hơn 20 năm tuổi của tôi lên Hà Giang, lại chở cùng theo cả vợ và con nhỏ, hầu hết bạn bè đều khuyên đừng đi. Mọi người nói rằng đường đến Hà Giang khá nguy hiểm với nhiều đoạn đèo dốc cao, nhiều góc cua tay áo, tôi không nên dùng chiếc Kia CD5 để đi vì rất nguy hiểm.

Song, là một người đã từng vài lần lên Hà Giang trước đó công tác bằng SUV hay MPV, tôi tự tin khẳng định một chiếc xe vừa nhỏ vừa cũ của tôi hoàn toàn có thể đi được. Những ai đang có dự định sử dụng một chiếc xe nhỏ như của tôi để “phượt” tới Hà Giang thì cũng đừng ngại ngần gì.

Trên thực tế, tôi cùng vợ con đã chinh phục Hà Giang trên chính chiếc Kia CD5 đó mà không gặp bất cứ khó khăn nào cả. Đường rất đẹp và dễ đi, chủ yếu là đường bằng và các xe gầm thấp hoàn toàn có thể đi được. Với những ai đã cầm lái quen thì những khúc cua tay áo đường đèo cũng không phải trở ngại lớn, còn với những tài mới thì cần cẩn thận hơn, lưu ý tốc độ, đi đúng làn đường và nên về số thấp để đi. Trên những đoạn đường đèo, tôi thường đi số 2 và số 3, chỉ dùng phanh khi cần thiết. Chiếc xe như ông cụ già của tôi chẳng hề ngán đoạn đường nào, vẫn leo phăm phăm và chưa phải “nằm đường” một lần nào cả.

Gia đình 9X Hà thành vượt hơn 1.000km lên Hà Giang bằng ô tô 80 triệu: ‘Không khủng khiếp như lời đồn’ - Ảnh 2.

Gia đình tôi và chiếc Kia CD5 đã băng qua cả Mã Pí Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo tại phía Bắc, đến cả Lũng Cú - địa đầu Tổ quốc. Trên đường đi có nhiều đoạn đường lạ mà thấy thú vị chúng tôi cũng tạt vào. Chẳng mấy mà hết cả nghìn km cho cả hai chiều đi và về.

Một lưu ý khi đi lên những vùng cao như Hà Giang là nên chuẩn bị một hệ thống chiếu sáng tốt cho chiếc xe. Tôi đi vào một ngày mưa với sương mù dày đặc. Có một số đoạn đường đèo sương và mây mù phủ trắng xóa. Khi đó, tôi phải kết hợp giữa việc bật đèn sương mù vàng, nhìn vạch kẻ đường và tham khảo đường qua bản đồ.

Gia đình 9X Hà thành vượt hơn 1.000km lên Hà Giang bằng ô tô 80 triệu: ‘Không khủng khiếp như lời đồn’ - Ảnh 3.

Đi lên Hà Giang như thế nào?

Hà Giang là tỉnh miền núi Đông Bắc, là nơi cực Bắc của Tổ quốc. Thành phố Hà Giang cách Hà Nội khoảng hơn 300 km. Tuy nhiên, để đến được các huyện vùng cao nơi đây, bạn sẽ phải đi qua quãng đường hơn 400km, bao gồm cả đường cao tốc, đường quốc lộ và đường đèo.

Tôi xuất phát từ Hà Nội vào sáng sớm, đi lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nghỉ trưa ở Tuyên Quang và tiếp tục đến thành phố Hà Giang. Từ thành phố Hà Giang, tôi phân bổ lịch đi đến các huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ... Đường đến Hà Giang đã được cập nhật đầy đủ và chi tiết trên Google Maps nên mọi người có thể dựa vào bản đồ đó để tham khảo.

Gia đình 9X Hà thành vượt hơn 1.000km lên Hà Giang bằng ô tô 80 triệu: ‘Không khủng khiếp như lời đồn’ - Ảnh 4.

Cần chuẩn bị gì trước hành trình?

Trước khi lên đường, bạn cần phải xem dự báo thời tiết trước. Đợt tôi đi có xem trước dự báo thời tiết rằng nhiệt độ trên Hà Giang sẽ xuống khoảng 10 độ C vào đêm nên cả nhà đã chuẩn bị hết áo ấm. Chúng tôi cũng biết trước là đi vào ngày đó sẽ có mưa bão nhưng do đã có kế hoạch từ trước nên vẫn cố gắng lên đường.

Với một chiếc xe nhiều năm tuổi như chiếc Kia CD5 của tôi, việc kiểm tra động cơ và hệ thống làm mát trước khi đi rất quan trọng. Có hệ thống làm mát tốt nên suốt chuyến đi Hà Giang, chiếc xe của tôi chưa bị quá nhiệt và phải dừng lại lúc nào. Đèn xe cũng cần phải đủ sáng, bao gồm đèn chính và đèn sương mù. Ngoài ra, tôi còn phải kiểm tra áp suất lốp, mang theo bơm dự phòng, chuẩn bị đồ nghề thay lốp và bộ dụng cụ để sửa xe khi cần.

Gia đình 9X Hà thành vượt hơn 1.000km lên Hà Giang bằng ô tô 80 triệu: ‘Không khủng khiếp như lời đồn’ - Ảnh 5.

Cuối cùng, bạn cần chuẩn bị một lịch trình cụ thể để tránh mất thời gian không cần thiết. Trong quá trình di chuyển sẽ không tránh khỏi những trường hợp phát sinh làm lệch thời gian trong lịch trình nên cái đó cũng phải tính. Gia đình tôi đi chuyến Hà Giang đó trong 4 ngày và 3 đêm, xác định mất 1 ngày để đi và 1 ngày để về, còn 2 ngày để chơi tại các địa điểm chính.

Đi Hà Giang vào khi nào?

Hà Giang là nơi mà bạn đi vào khi nào cũng được. Mỗi mùa, nơi đây lại có những vẻ đẹp khác nhau. Nếu đi Hà Giang vào mùa xuân, tức là 3 tháng đầu năm, bạn sẽ được ngắm hoa đào, hoa mai trong thời tiết se lạnh. Nếu đi vào mùa hè, khoảng tháng 4 đến tháng 6, bạn có thể chiêm ngưỡng được ruộng bậc thang xanh ngát. Nếu chọn đi vào mùa thu, tầm tháng 9, tháng 10, bạn sẽ thấy sắc vàng rực rỡ của lúa chín. Tầm tháng 11 và 12 sẽ có hoa tam giác mạch nở - loài hoa đặc trưng của Hà Giang.

Tôi chọn đi vào cuối tháng 10 để ngắm hoa tam giác mạch.

Đến Hà Giang đi đâu?

Quản Bạ được ví như “Đà Lạt của phía Bắc”. Một địa điểm nên đến là Cổng trời Quản Bạ, cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 47 km về phía Bắc. Tại đây, bạn có thể phóng tầm mắt xuống thung lũng. Tại Quản Bạ có một điểm tham quan là núi đôi Quản Bạ. Bạn chỉ có thể chiêm ngưỡng từ trên cao chứ đừng đi theo Google Maps chỉ đến chân núi sẽ không nhìn thấy gì.

Đi tiếp hơn 60 km về phía Bắc là Dốc Thẩm Mã. Tại đây có địa điểm dừng xe để nhìn bao quát đoạn đèo uốn lượn tạo thành hình chú ngựa. Đi thêm một đoạn ngắn nữa, bạn sẽ đến cao nguyên đá Đồng Văn. Trên đường đi, bạn sẽ thấy mình được bao quanh bởi núi đá lởm chởm.

Gia đình 9X Hà thành vượt hơn 1.000km lên Hà Giang bằng ô tô 80 triệu: ‘Không khủng khiếp như lời đồn’ - Ảnh 7.

Đèo Mã Pí Lèng được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo ở miền núi phía Bắc, cách Dốc Thẩm Mã khoảng 55km, mất gần 2 tiếng để di chuyển. Cung đường đèo này kéo dài khoảng 20km với nhiều khúc cua tay áo. Một bên là vách núi cheo leo, bên còn lại là vực sâu thăm thẳm với con sông Nho Quế chảy ngay phía dưới. Từ trên đoạn đường đèo này có thể nhìn thẳng xuống sông. Nếu có điều kiện về thời gian, bạn cũng nên thử trải nghiệm đi thuyền dưới sông Nho Quế. Có đường ô tô đi xuống và đi bộ thêm khoảng vài trăm mét nữa.

Cột cờ Lũng Cú - nơi đánh dấu điểm cực Bắc của Tổ quốc cũng là một nơi không thể bỏ qua. Nơi đây cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 150km.

Chúng tôi chọn nghỉ tối một đêm tại Đồng Văn. Phố cổ Đồng Văn có rất nhiều hoạt động thú vị về đêm.

Chi phí đi Hà Giang rẻ không tưởng

Gia đình chúng tôi đi Hà Giang trong 4 ngày với chi phí hơn 4 triệu đồng cho cả ăn uống, khách sạn, phí cầu đường (Cao tốc Nội Bài - Lào Cai) và xăng xe. Giá khách sạn phổ thông và giá đồ ăn trên Hà Giang rất rẻ. Chiếc xe của tôi tiêu tốn khoảng 60 lít xăng cho chặng đường hơn 1.000 km cả đi và về.

Gia đình 9X Hà thành vượt hơn 1.000km lên Hà Giang bằng ô tô 80 triệu: ‘Không khủng khiếp như lời đồn’ - Ảnh 8.

Đó là những gì tôi đúc kết được từ chuyến đi Hà Giang vừa rồi cùng gia đình bằng chiếc Kia CD5 cũ. Những ai đang sở hữu một chiếc ô tô, dù là xe nhỏ, có ý định tự lái xe tới Hà Giang thì tôi khuyên là cứ mạnh dạn trải nghiệm. Đường sá nay đã dễ đi và có thể dễ dàng tham khảo trên Google Maps. Chỉ cần kiểm tra xe cẩn thận và chuẩn bị trước một lịch trình chi tiết là có thể tự tin lên đường.

img
img
img
img
img
img

Gia đình 9X Hà thành vượt hơn 1.000km lên Hà Giang bằng ô tô 80 triệu: ‘Không khủng khiếp như lời đồn’ - Ảnh 10.