Sau sự xuất hiện của Volvo và Lynk & Co, Geely đang tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam qua thương hiệu Geely Auto và nhà máy xây dựng tại Thái Bình.
Cách đây ít ngày, Geely Việt Nam chính thức có những động thái đầu tiên chào thị trường trong nước. Fanpage của thương hiệu đăng tải thông điệp “Hello Việt Nam” (Xin chào Việt Nam) như một cách mở màn cho chiến dịch ra mắt sắp tới.
Trước đó, vào ngày 23/9, Geely và Tasco Auto đã ký kết hợp đồng liên doanh sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam với nhà máy đặt tại Thái Bình, khởi công từ đầu năm 2025, vốn đầu tư khoảng hơn 4.100 tỷ đồng.
Nhiều thương vụ “để đời”
Trước khi vào Việt Nam, Geely đã có nhiều thương vụ khủng trên thế giới. Trong đó, việc Geely mua lại Volvo từ tập đoàn Ford gây tiếng vang lớn nhất. Chi phí để tập đoàn Trung Quốc này sở hữu Volvo là 1,8 tỷ USD vào năm 2010.
Thương vụ này không chỉ hồi sinh Volvo Cars mà còn mang đến cho Geely năng lực đẳng cấp thế giới về R&D, sản xuất và quản lý. Dù hoạt động độc lập theo nguyên tắc "Geely là Geely, Volvo là Volvo" do Chủ tịch Eric Li đề ra, hai thương hiệu vẫn hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu, phát triển, chia sẻ nền tảng và tích hợp công nghệ. Một ví dụ tiêu biểu là nền tảng Compact Modular Architecture (CMA), được đồng phát triển và sử dụng cho nhiều mẫu xe bán chạy của Geely, Lynk & Co và Volvo, giúp cả hai tối ưu hóa chi phí và tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thương vụ nổi bật tiếp theo của Geely là việc mua lại 49,9% cổ phần của Proton - một hãng xe nội địa lớn nhất của Malaysia, tiếp cận thị trường Đông Nam Á. Tương tự, Proton cũng có doanh số tăng trưởng mạnh sau thương vụ này. Năm 2019, lần đầu doanh số Proton vượt mốc 100.000 xe. Năm 2023, doanh số của hãng là 154.611 xe, tăng 9,3% so với năm trước đó.
Năm 2018 cũng là thời điểm Geely “chơi lớn” khi trở thành đối tác của Daimler - hãng mẹ của Mercedes-Benz, đồng thời mua 9,69% cổ phần của Daimler, và mua 51% cổ phần của Lotus - hãng xe thể thao đến từ Anh.
Các hãng xe cao cấp tự phát triển
Không chỉ mua lại và hợp tác với nhiều hãng xe lớn, bản thân Geely cũng phát triển thương hiệu xe cao cấp riêng. Trong đó, nổi tiếng nhất là Lynk & Co. Thương hiệu con này được ra mắt vào năm 2016, hướng tới phong cách hiện đại, trẻ trung và nhiều công nghệ tiên tiến. Lynk & Co chọn tiếp cận thị trường quốc tế thay vì chỉ tập trung vào thị trường nội địa. Thương hiệu này đang được đón nhận tại châu Âu, Mỹ, Trung Đông và hiện cũng đang bắt đầu thu hút khách hàng Việt Nam.
Thương hiệu con thứ hai của hãng là Zeekr cũng sắp bán xe tại Việt Nam trong thời gian tới. Zeekr tập trung vào thị trường xe năng lượng mới. Hiện hãng này đã có mặt tại châu Âu, châu Á, châu Úc và và Trung Đông. Zeekr ra mắt vào năm 2021. Sau 33 tháng, đến nay đã có hơn 310.000 xe được bán ra thị trường.
Trước đó, từ năm 1997, Geely trở thành nhà sản xuất ô tô tư nhân đầu tiên của Trung Quốc. Sau đó chỉ 3 năm, vào năm 2000, Geely đã bán được khoảng 150.000 ô tô thương hiệu này tại Trung Quốc. Đến năm 2002, Geely lọt top 10 nhà sản xuất ô tô lớn lại quốc gia này.
Ở thời điểm hiện tại, Geely vẫn nằm trong top 10 nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất từ Geely, doanh số lũy kế của các hãng xe thuộc tập đoàn đã vượt mốc 3 triệu xe tính đến hết tháng 11/2024, tăng trưởng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.
Kế hoạch mang thương hiệu được ưa chuộng nhất đến Việt Nam
Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng của Geely. Bởi vậy, tập đoàn này đầu tư mạnh tay xây dựng nhà máy tại Thái Bình. Những chiếc xe mang thương hiệu Geely dự kiến sẽ xuất xưởng tại nhà máy này từ năm 2026.
Tại Việt Nam, Geely và Tasco Auto không chỉ có kế hoạch lắp ráp ô tô mà còn mong muốn hoàn thiện chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng, thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực… tại Khu kinh tế Tiền Hải, Thái Bình. Trên thế giới, Geely cũng đầu tư rất nhiều vào hoạt động R&D. Trong 10 năm qua, tập đoàn này đã đầu tư hơn 20 tỷ USD cho hoạt động này với nhiều trung tâm R&D đặt tại cả Trung Quốc, Đức, Mỹ hay Thụy Điển…