Thông tin về việc Ford và Volkswagen cân nhắc hợp tác chặt chẽ hơn đã xuất hiện rộng rãi trong những ngày vừa qua, tuy nhiên đã từng có thời điểm Ford có thể tiếp quản Volkswagen không mất một xu mà thậm chí còn được cảm ơn, đó là vào năm 1948.

Ở thời điểm đó, nước Đức được chia thành các khu vực riêng cho các nước Đồng minh kiểm soát. Người Anh chịu trách nhiệm khu vực bao gồm nhà máy Volkswagen Wolfsburg vào thời điểm đó. Họ sau đó khởi động lại dây chuyền sản xuất ô tô tại đây nhằm tạo ra công ăn việc làm giúp phục hồi lại nền kinh tế Đức đang chìm trong khủng hoảng hậu thế chiến.

Đã có thời điểm Ford có thể tiếp quản Volkswagen mà không mất một xu mà còn được cảm ơn - Ảnh 1.

Cái tên Volkswagen suýt chút nữa đã biến mất hoàn toàn do mối liên hệ với Chính quyền Phát xít Đức.

Tuy nhiên, người Anh không muốn nhúng tay quá sâu vào việc sản xuất xe của người Đức và bắt đầu tìm kiếm ứng cử viên tiếp quản nhà máy Wolfsburg cũng như Volkswagen. Ngài Wiiliam Rooters – ông chủ một số thương hiệu xe lúc đó như Hillman, Humber và Sunbeam là người đầu tiên được đề cử vào vị trí này nhưng ông từ chối.

Người tiếp theo được cân nhắc tới chính là Henry Ford II vào năm 1948. Mỹ cũng là đồng minh lớn của Anh trong thời kỳ thế chiến và họ không ngần ngại mời 1 lãnh đạo người Mỹ tiếp quản Volkswagen hộ mình. Cuộc gặp giữa 2 phía diễn ra vào tháng 9/1948 tại Cologne, Đức và người Anh đưa ra một đề nghị cực kỳ rộng rãi: Ford có thể toàn quyền tiếp quản Volkswagen mà không mất một đồng nào hết.

Đã có thời điểm Ford có thể tiếp quản Volkswagen mà không mất một xu mà còn được cảm ơn - Ảnh 2.

Volkswagen mất hàng chục năm hậu thế chiến để tìm được ánh hào quang nhờ mũi nhọn là chiếc Beetle.

Tuy nhiên vào thời điểm đó, chủ tịch Ford là Ernest Breech đã nói với Ford II rằng Volkswagen lúc đó "không đáng 1 xu". Thêm vào đó, nhà máy Wolfsburg cũng đặc biệt gần biên giới Đông Đức (lúc đó đang được Xô Viết tiếp quản) khiến Ford lo ngại về tình hình an ninh bất ổn có thể xảy đến tại đây. Cuối cùng, cuộc đối thoại bị hủy bỏ.

Sau 2 lần đàm phán bất thành, người Anh trao trả lại quyền điều khiển Volkswagen cho người Đức mà cụ thể là kỹ sư Heinz Nordhoff. Ông chính là người giúp vực dậy Volkswagen sau giai đoạn khủng hoảng với nhiều thành tựu đáng tự hào trong giai đoạn 15 năm sau đó như xe thứ 1 triệu, giảm thời gian cần thiết để sản xuất 1 chiếc xe từ 400 xuống 100 giờ hay biến "con bọ" Beetle trở thành biểu tượng toàn cầu.

Tham khảo: Motor1