Thế giới nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng đang thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, từng phút. Sự phát triển của công nghệ đang xoay vần nhiều lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có xe hơi. Các hãng ô tô dù lớn hay nhỏ đều phải liên tục theo đuổi các công nghệ mới, ý tưởng mới để có thể tồn tại và giữ vững chỗ đứng trên thị trường.

Tuy nhiên, chỉ bước đi và tiến lên phía trước là chưa đủ, đặc biệt đối với các ông lớn xe hơi trên thế giới. Họ cần những định hướng và chiến lược dài hạn để duy trì được cả bộ máy khổng lồ và cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường.

Toyota, hãng xe lớn số 1 thế giới, cũng vậy. Với quy mô 364.445 nhân viên (tính đến hết tháng 3/2017), lãnh đạo của tập đoàn Nhật Bản đã luôn phải lập những kế hoạch cho mục tiêu dài hạn. Ông Akio Toyoda, Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Toyota, cùng các cộng sự của mình đang nỗ lực chèo lái một con thuyền lớn trong cơn bão công nghệ của thế kỷ 21.

Akio Toyoda: Cháu nội của ông tổ Toyota bước lên CEO từ nhân viên với trách nhiệm nặng nề - Ảnh 1.

Toyota đang đầu tư mạnh tay vào những công nghệ mới, từ trí tuệ nhân tạo, robot cho đến khí hóa. Không chỉ hợp tác với các dự án khởi nghiệp về công nghệ, hãng xe Nhật bắt đầu tiến tới bắt tay cùng các đối thủ lâu năm như Mazda hay Suzuki. Trước mắt, những khoản đầu tư như vậy đang bào mòn lợi nhuận của Toyota. Tuy nhiên, ông Toyoda gọi đó là đầu tư cho tương lai.

Dám nghĩ, dám làm, dám lên tiếng để thay đổi

Trao đổi với tờ Autonews, ông Akio Toyoda đã chia sẻ về những khó khăn mà ông gặp phải trong việc đề xuất thay đổi định hướng công ty từ khi còn là một nhân viên. Vào thời điểm đó, dịch vụ kinh doanh xe cũ online của Toyota mang tên Gazoo ra đời. Ông Toyoda chỉ là quản lý bộ phận.

"Mọi nhân viên tại Toyota lúc đó nghĩ rằng họ đang làm việc theo định hướng đúng đắn nhất, tuy nhiên thế giới đang đổi thay," ông Toyoda cho biết. "Tôi đã đề xuất về việc thay đổi cách thức làm việc và đã phải đối mặt với sự phản đối dữ dội."

Akio Toyoda: Cháu nội của ông tổ Toyota bước lên CEO từ nhân viên với trách nhiệm nặng nề - Ảnh 2.

Trong chuyến thăm các xưởng dịch vụ của các đại lý Toyota, vị quản lý thời ấy đã nhìn thấy cảnh hàng loạt chiếc xe xếp hàng dài, trong khi chỉ có vài chiếc đang được sửa chữa. Ông đã ví những xưởng dịch vụ này chỉ như những bãi đậu xe. Họ đã tức giận và phản đối.

"Tôi cảm thấy mình đã như một Jedi chống lại Đế chế [trong phim Star Wars]. Giờ đã trở thành Chủ tịch nhưng tôi vẫn đang có cảm giác đó. Tôi muốn các nhà đầu tư hiểu được lối suy nghĩ ấy, giống như một Jedi."

"Bằng việc sống với định hướng đó, tôi hy vọng nhân viên công ty sẽ được truyền cảm hứng để sẵn sàng đón nhận những thách thức mới," ông Toyota chia sẻ thêm.

Dám chia nhỏ và cởi mở để tồn tại bền vững

Toyota có nguồn vốn khổng lồ. Điều đó đúng. Tuy nhiên, việc đầu tư hàng triệu USD vào từng dự án khởi nghiệp mới nổi tại Nhật Bản với những cái tên hoàn toàn xa lạ như Giftee, Nightley hay Ateam, hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực, từ marketing trực tuyến đến bảo mật đang khiến nhiều người hoài nghi rằng liệu hãng xe này có đang lãng phí nguồn tiền?

Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, đây chính là chiến lược của ông Toyoda để duy trì tập đoàn của mình trong tương lai. Có một sự thật là, Toyota đang ngày càng lớn mạnh với quy mô công ty khổng lồ, và họ cần phải thích ứng nhanh nhạy với các công nghệ mới. Họ phải chia thành các công ty nhỏ để thâm nhập vào những lĩnh vực mà họ còn thiếu sót.

Akio Toyoda: Cháu nội của ông tổ Toyota bước lên CEO từ nhân viên với trách nhiệm nặng nề - Ảnh 3.

Những bộ phận nhỏ của Toyota được điều hành độc lập như những công ty riêng. Mục tiêu của Toyota là mô phỏng lại hoạt động của các khởi nghiệp công nghệ tại thung lũng Silicon. Nhờ đó, hãng xe Nhật sẽ có những công nghệ của riêng mình mà không cần phải dựa dẫm nhiều vào các công ty ngoài.

Hiện tại, hãng xe Nhật đang hướng tới trí thông minh nhân tạo, những dịch vụ trực tuyến, phân tích dữ liệu, động cơ điện và công nghệ tự lái. Ông Takeshi Uchiyamada, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng sử dụng những công nghệ mà chưa từng được tích hợp lên ô tô trước đây."

"Đây là cuộc chiến với thời gian và những đột phá công nghệ. Do đó, chúng tôi sẽ hợp tác cùng với các công ty khác đang có tiềm lực về những lĩnh vực nhất định," ông Uchiyamada chia sẻ thêm.

Akio Toyoda: Cháu nội của ông tổ Toyota bước lên CEO từ nhân viên với trách nhiệm nặng nề - Ảnh 4.

Và trong định hướng, Toyota tiếp tục mở rộng liên minh cùng các đối thủ lâu năm khác trên thị trường, đặc biệt về mảng xe điện và xe thể thao. Vào tháng 9, hãng này đã bắt tay với Mazda để phát triển nền tảng cho xe điện. Bên cạnh đó, sắp tới đây, Toyota sẽ trình làng mẫu xe thể thao Supra - thành quả đầu tiên trong sự hợp tác với BMW.

Akio Toyoda: Cháu nội của ông tổ Toyota bước lên CEO từ nhân viên với trách nhiệm nặng nề - Ảnh 5.

Từ một ông lớn luôn đi theo con đường riêng, Toyota đã dần thay đổi định hướng để hòa nhập, tồn tại và phát triển. Hợp tác và kết nối là cách để hãng xe Nhật đứng vững trong cơn bão công nghệ của thế kỷ 21 và dễ dàng thích nghi với những đột phá trong tương lai lâu dài.