Nghiên cứu thực hiện bởi Phòng Công nghiệp Ô tô Liên bang Australia FCAI kết hợp cùng nhiều hãng xe toàn cầu mới đây cho thấy tỉ lệ cực cao bugi mà người dùng có thể tìm mua trên mạng Internet là hàng giả kém chất lượng.

Không chỉ thuộc diện "có cũng như không", số bugi giả này còn được chế tạo với thiết kế tinh vi như thật và không thể phân biệt được bằng mắt thường. Một số thậm chí còn được đóng logo chính hãng với những thương hiệu hay bị làm giả nhất là Honda, Nissan, Mazda và Toyota.

60% bugi mua trên mạng là hàng giả! - Ảnh 1.

Số bugi giả nhìn như thật đóng mác Honda...

Theo giám đốc điều hành FCAI Tony Weber, "các chuyên gia của chúng tôi đã thẩm định rất kỹ cả túi hàng và linh kiện bên trong mà còn khó phân biệt được đâu là hàng thật và hàng giả chứ chưa nói tới người dùng. Bạn có lẽ chỉ biết được khi đã quá muộn".

Dù nhìn như thật nhưng chất lượng của số bugi trên có lẽ "khỏi phải bàn" khi chất liệu chế tạo lẫn cấu trúc bên trong cực kỳ kém cỏi – tuy nhiên ngay cả các chuyên gia cũng phải cắt đôi chúng để có thể đưa ra kết luận này.

60% bugi mua trên mạng là hàng giả! - Ảnh 2.

Bổ đôi ra là thấy ngay sự khác biệt

Hậu quả của việc sử dụng bugi giả thì rất nhiều – hiệu suất xe kém đi, động cơ bị hao mòn nhanh hơn hẳn và có thể hư hại bất cứ lúc nào, đánh lửa kém, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn khi vận hành, khó nổ máy… Đặc biệt, một số trường hợp bugi quá nhiệt có thể tan chảy khiến động cơ rơi vào cảnh không sửa chữa được nữa.

Tony Weber khuyên người tiêu dùng nên biết cách tự bảo vệ mình và chỉ mua linh kiện ngoài ở các nguồn đảm bảo thay vì ở các trang bán hàng trực tuyến, đồng thời cho biết sẽ cố gắng hợp tác với nhiều tổ chức khác trên toàn cầu để loại bỏ những trang bán hàng kém chất lượng, cố gắng sàng lọc nguồn cung tốt nhất cho người tiêu dùng.

Tham khảo: Carscoops

60% bugi mua trên mạng là hàng giả! - Ảnh 3.