Theo số liệu thống kê của JATO, thị trường ô tô thế giới tiếp tục đón nhận kỷ lục doanh số mới sau năm 2017 với 86 triệu xe được bán ra. So với năm trước đó, lượng ô tô tiêu thụ cao hơn 2 triệu chiếc.

Đáng chú ý, trong các phân khúc xe, SUV có mức tăng trưởng đáng kể nhất về thị phần, từ 30,8% lên 34% - một kỷ lục mới. Đây cũng là dòng xe đóng vai trò chính trong việc kéo doanh số ô tô toàn cầu. Trong đó, SUV hạng trung chiếm 16,6% và SUV cỡ lớn chiếm 17,7%, không chênh lệch đáng kể.

SUV áp đảo trên thế giới nhưng chưa thống lĩnh tại Việt Nam - Ảnh 1.

SUV đang chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường ô tô toàn cầu. Nguồn: JATO.

SUV được bán ra nhiều nhất tại một số thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Mỹ Latinh, với mức tăng trưởng 2 con số. Riêng tại Bắc Mỹ, trung bình 3 xe bán ra trong năm 2017 lại có 2 chiếc là SUV.

Dòng xe đô thị và bán tải cũng có tín hiệu khởi sắc tuy không mấy rõ rệt. Ngược lại, các phân khúc khác như xe nhỏ, xe cỡ trung (sedan, hatchback và wagon) cùng MPV đều đối mặt với khó khăn trong kinh doanh năm qua.

Lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số bán hàng SUV tại Trung Quốc vượt qua mốc 10 triệu. Con số này đạt được nhờ những mẫu xe đến từ GM, VW, Renault-Nissan cho đến các hãng nội địa như Geely, GAC, Dongfeng và SAIC.

Tại thị trường Mỹ, sedan đang dần đi vào ngõ cụt khi SUV lên ngôi. CEO của FCA, ông Sergio Marchionne, đã phải tuyên bố khai tử Dodge Dart và Chrysler 200 để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các mẫu Jeep và bán tải Ram. Những lãnh đạo khác ở Mỹ cũng đang cân nhắc loại bỏ một số mẫu sedan như Ford Fusion (Mondeo) và Chevrolet Impala.

SUV áp đảo trên thế giới nhưng chưa thống lĩnh tại Việt Nam - Ảnh 2.

Sự tăng trưởng doanh số phân khúc SUV trong 4 năm gần đây. Đơn vị: triệu chiếc. Nguồn: JATO.

Trái lại, phân khúc SUV tại Việt Nam chưa tạo được sự chuyển biến lớn trong năm vừa qua. Trong VAMA, thậm chí doanh số dòng SUV và crossover còn giảm nhẹ, từ 41.275 xuống còn 40.075 xe. Xét về thị phần, phân khúc này vẫn thua dòng xe hạng A, B.

SUV áp đảo trên thế giới nhưng chưa thống lĩnh tại Việt Nam - Ảnh 3.

Danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất năm 2017 cũng cho thấy SUV chưa thể tạo được sự lấn lướt như xu hướng trên thế giới. Hầu hết sản phẩm trong top 10 là sedan/hatchback.

Nếu cộng dồn cả số liệu không chính thức từ Hyundai Thành Công thì sedan/hatchback còn vượt trội hơn nữa khi có sự đóng góp của gần 20.000 xe Grand i10. Trong khi đó, SUV như Santa Fe hay Tucson chỉ chiếm phần nhỏ trong doanh số của HTC. 

Dẫu vậy, sự chuyển biến của thị trường có thể kỳ vọng trong năm nay khi đồng loạt hãng xe tại Việt Nam đang dồn sức cho SUV/crossover. Càng về cuối năm 2017, thị trường SUV tại Việt Nam càng sôi động. Hàng loạt mẫu xe nâng cấp mới ra mắt như Mazda CX-5, Honda CR-V, Peugeot 3008 và 5008 cùng sự chuyển đổi sang lắp ráp của Mitsubishi Outlander tạo nên sức bật doanh số đáng kể.

Trong thời gian tới, Toyota Fortuner nếu thoát được Nghị định 116 chắc chắn sẽ trở lại đà bán chạy. Đối thủ Hyundai Santa Fe được kỳ vọng tạo nên cú đột phá doanh số với phiên bản hoàn toàn mới thay đổi từ trong ra ngoài.  

Nhìn rộng ra thế giới, JATO kỳ vọng phân khúc SUV sẽ còn tăng trưởng hơn nữa trong tương lai. Vào năm ngoái, những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Volkswagen, Hyundai-Kia đã bắt đầu cho đổ bộ nhiều mẫu SUV mới vào thị trường. VW có Atlas hay tới đây là T-Cross, trong khi hãng xe Hàn Quốc có các sản phẩm chủ lực là Hyundai Kona, Kia Stonic và cả Hyundai Santa Fe vừa ra mắt.