Bài học từ Nga với xe tăng T-14 Armata đang khiến các nhà hoạch định của Mỹ cân nhắc, trước khi chương trình AbramsX có thể biến thành một thảm họa tương tự.
AbramsX là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ tiếp theo được đề xuất cho Quân đội Mỹ. Chiếc xe này được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến. Các tính năng chính bao gồm động cơ lai điện-diesel để cải thiện khả năng di chuyển và hiệu quả nhiên liệu, giảm quy mô kíp lái với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo nâng cao.
Lầu Năm Góc cũng đang rất thận trọng đánh giá chương trình AbramsX, cân nhắc đến chi phí và tiện ích của nó, đặc biệt là trong bối cảnh những cuộc xung đột trong tương lai, nơi mà xe tăng chủ lực hạng nặng có thể không phải là ưu tiên hàng đầu trên chiến trường.
AbramsX có phải là T-14 Armata của Mỹ không?
Xe tăng AbramsX đầy hứa hẹn đang được phát triển để trở thành xe tăng chiến đấu chủ lực mới cho Quân đội Mỹ, các kỹ sư sẽ tích hợp các công nghệ mới vào nền tảng đã được chứng minh hiệu quả trong chiến đấu là M1 Abrams.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ, trong đó có Brandon Weichert - một nhà phân tích chính trị nổi tiếng đã đặt câu hỏi về tính thực tế của chiếc xe tăng AbramsX, đặc biệt là độ tin cậy của pin điện trong điều kiện chiến đấu. Ông đã lấy T-14 Armata của Nga làm ví dụ, Brandon Weichert cho rằng T-14 Armata là một dòng xe tăng đắt tiền và ít được sử dụng, do lo ngại về chi phí và khả năng chiến đấu. Và những vấn đề mà T-14 đang đối mặt sẽ có thể lặp lại ngay trên chính chiếc xe tăng mới của Mỹ.
AbramsX là gì?
AbramsX chưa phải là một thỏa thuận đã hoàn tất. Chương trình này thực sự mới chỉ là một ý tưởng. Bộ Quốc phòng Mỹ có muốn tài trợ cho AbramsX hay không vẫn chưa rõ ràng.
Tờ The Washington Post đưa tin rằng, chương trình AbramsX "đang phải đối mặt với một chặng đường khó khăn trong hành lang của Lầu Năm Góc". Chương trình AbramsX gây ấn tượng với hai lợi thế được kỳ vọng là hữu ích trong tương lai. Một là, AbramsX sẽ có động cơ lai điện-diesel hứa hẹn sẽ giảm trọng lượng của xe tăng, giúp cải thiện khả năng di chuyển và hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu. Hai là, AbramsX sẽ hoạt động với một kíp chiến đấu ít người hơn nhờ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
AbramsX hứa hẹn sẽ được tích hợp những công nghệ mang tính cách mạng vào nền tảng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện có - nhưng không phải ai cũng cho rằng đó là điều tốt. Brandon Weichert cho rằng, thông số kỹ thuật của Abrams X là "có vấn đề", đặc biệt là hệ thống đẩy hybrid-điện. Mặc dù tiết kiệm nhiên liệu hơn, nhưng "pin điện có thể không chịu được áp lực chiến đấu", Weichert viết.
Khái niệm về một MBT tiên tiến nhưng không mang lại hiệu quả chiến đấu tương xứng với khoản đầu tư đáng kể của nó, đang được gán cho xe tăng T-14 Armata của Nga.
So sánh với xe tăng T-14 Armata
T-14 Armata là MBT mới nhất của Nga. Chương trình này đang gặp nhiều khó khăn. Mỗi chiếc T-14 có giá khoảng 7 triệu USD, khiến việc sản xuất số lượng lớn xe tăng khó có thể duy trì được và khiến các nhà hoạch định chiến lược của Nga không muốn đưa xe tăng vào tình thế nguy hiểm. Weichert chỉ ra rằng, "có một sự trớ trêu ở đây, một loại vũ khí quá đắt hoặc quá giá trị đến mức khiến nó không được sử dụng cho mục đích mà nó được thiết kế, tại sao ngay từ đầu lại phải chế tạo ra vũ khí đó?".
Weichert đưa ra giả thuyết rằng nếu Washington vướng vào một cuộc xung đột lớn, có thể họ sẽ gác AbramsX sang một bên, giống như cách người Nga đã làm với T-14 Armata ở Ukraine, khiến mọi người quên đi mục đích sở hữu loại xe tăng này.
May mắn thay, Lầu Năm Góc dường như đang đặt ra những câu hỏi quan trọng về chi phí và tiện ích của AbramsX ngay từ đầu, trước khi rót hàng trăm triệu USD vào chương trình này.