Xe đang lưu thông mà bị hỏng, phải đậu giữa đường thì tài xế có bị xử phạt về hành vi cản trở giao thông không là vấn đề nhiều người thắc mắc.
Theo quy định pháp luật hiện hành, ô tô bị hỏng hóc, chết máy khi đang lưu thông trên đường mà không thể di chuyển được có thể được xem là sự việc bất khả kháng. Do đó, tài xế sẽ không bị xử phạt về hành vi cản trở giao thông.
Tuy nhiên, Khoản 3 điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe trên đường bộ phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.
Trường hợp xảy ra tai nạn (xe khác đâm vào xe đang dừng đỗ do gặp sự cố), cơ quan chức năng sẽ xem xét tới yếu tố lỗi của mỗi bên, xem lái xe ô tô đã sử dụng đầy đủ các biện pháp cứu hộ, cảnh báo chưa.
Còn lái xe bị nạn có chú ý quan sát trong tình huống trên để nhận diện có chướng ngại vật phía trước không, tốc độ của xe bị nạn và phần đường mà xe đó lưu thông đã đúng quy định chưa, điều kiện thời tiết có ảnh hưởng tới tầm nhìn của lái xe.
Từ việc xác định yếu tố lỗi sẽ làm căn cứ để xác định được trách nhiệm bồi thường.
Nếu lái xe bị nạn do thiếu chú ý quan sát, chạy quá tốc độ dẫn đến tai nạn thì sẽ được xác định là có một phần lỗi. Trong trường hợp này, xe ô tô gặp sự cố được xác định là chướng ngại vật, tất cả phương tiện tham gia giao thông qua đây phải chú ý quan sát, giảm tốc độ để tránh xảy ra va chạm.
Nếu người điều khiển phương tiện giao thông khác thiếu chú ý quan sát, không giảm tốc độ dẫn đến tai nạn thì họ là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả tai nạn xảy ra.
Nếu sau khi dừng đỗ xe, người điều khiển xe ô tô gặp sự cố không có tín hiệu cảnh báo cho người điều khiển phương tiện khác biết và không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe cho người khác biết nghĩa là họ đã có hành vi dừng đỗ xe sai quy định.
Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả mà cá nhân này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thậm chí có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, tài xế còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản cho người bị thiệt hại theo Điều 589, điều 590 BLDS 2015.
Như vậy, theo quy định hiện hành, xe ô tô bị hỏng chết máy đột ngột phải dừng đỗ giữa lòng đường là sự cố bất ngờ.
Nếu ngay sau khi xe gặp sự cố buộc phải dừng đỗ trên đường, người điều khiển phương tiện đã thực hiện các biện pháp như có tín hiệu, dựng chướng ngại vật cảnh báo cho người điều khiển phương tiện khác biết nhằm báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe cho người khác biết thì sẽ có thể không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm bồi thường.