Bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão đã và đang gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc.
Hiện tại đã tổ chức tín dụng và các công ty bảo hiểm đang có nhiều hành động nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3. Để làm rõ hơn các quy trình giải quyết, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI.
Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, xem xét cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng do bão. Ông có thể cho biết quy trình thực hiện công việc này sẽ diễn ra như thế nào?"
Luật sư Trương Thanh Đức: Thông thường, ngân hàng tập hợp hồ sơ, xem xét đánh giá tài liệu, đi kiểm tra tình hình thực tế, mức độ tính chất rủi ro thế nào thiệt hại như thế nào, khó khăn trả nợ người vay ra sao.
Nếu như đúng nguyên nhân do bão lụt, thiên tai bất khả kháng thì các ngân hàng có thể xem xét: Thứ nhất, không tính vào thời hạn vi phạm khi trả nợ; Thứ hai là có chính sách miễn giảm lãi cho người vay. Thứ ba là giữ nguyên nhóm nợ, không chuyển nợ quá hạn. Thứ tư là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tức là gia hạn nợ hoặc điều chỉnh các thời hạn trả nợ, theo các quy định của pháp luật hiện hành cũng như khả năng hỗ trợ của ngân hàng.
Việc này sẽ phải mất tương đối nhiều thời gian sau khi bão lụt diễn ra, rồi phải thời gian xem xét lại toàn bộ sự việc thì mới tiến hành xử lý.
Bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc.
Vâng cơn bão số 3 đi qua cũng để lại nhiều thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của người dân. Với hoạt động chi trả tiền bảo hiểm như là xe cộ, nhà cửa... người tiêu dùng cần làm gì lúc này để đảm bảo quyền lợi của mình?
Luật sư Trương Thanh Đức: Người mua bảo hiểm khi gặp thiên tai, thiệt hại thì đầu tiên phải gọi điện cho người phụ trách đã bán bảo hiểm cho mình; Thứ hai, cần gọi điện lên tổng đài của công ty bảo hiểm để họ nắm bắt quá trình xử lý hồ sơ của mình. Ghi nhận bằng chứng hiện trường về tài sản bị hư hại như quay phim, chụp ảnh, lập biên bản ghi nhận thiệt hại...
Trong trường hợp cấp bách thì phải ghi lại bằng chứng dưới sự chứng kiến của cán bộ phường, xã, tổ chức đoàn thể, người làm chứng khác… thay cho thủ tục thông thường. Quá trình này cũng phải mất một thời gian nhất định, không thể lập tức có thể chi trả hay đánh giá để bồi thường được.
Tuy nhiên, với sự thúc giục của Bộ Tài chính cũng như yêu cầu thực tế thì các công ty bảo hiểm sẽ đẩy nhanh tiến độ, trước kia có thể 5-10 ngày thì bây giờ có thể chỉ cần 1-2 ngày xử lý, bảo đảm quyền lợi cho người mua bảo hiểm.
Xin cảm ơn luật sư!
Tính đến hết ngày 9/9, đã có một số công ty bảo hiểm bước đầu đã ghi nhận các trường hợp tổn thất về người và tài sản, đánh giá rủi ro cũng như dự trù các khoản chi phí bồi thường. Ví dụ như Công ty Bảo hiểm PVI, đã ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng, chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người.
Còn trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, AIA Việt Nam ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong. Tổng quyền lợi bảo hiểm là khoảng 6,5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng phối hợp với các bên liên quan xử lý tổn thất với thời gian nhanh nhất, giảm thiểu tối đa thủ tục, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.