img

Vi Đức Thọ

Nhà báo

  • Anh là nhà báo đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế và ô tô xe máy tại Việt Nam.

Chiều 20/11/2018, tôi đến Công viên Thống nhất (Hà Nội) để dự lễ ra mắt ô tô, xe máy điện của VinFast. Trước khi đến và trên đường đến, tâm thế đi dự lễ vẫn là như vậy. Nhưng khi đến nơi, một giọng nói vang lên trong trí não tôi khi trước mắt là tấm banner treo trên cổng chính công viên, "ôi điều gì diễn ra vậy?"

Giấy mời là dự lễ ra mắt sản phẩm, nhưng nội dung ưu tiên của buổi lễ được tổ chức hoành tráng giữa công viên lớn nhất Thủ đô lại là phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam". Có 3 điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, người đứng ra tuyên bố phát động phong trào là đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thứ hai, không phải Bộ Công Thương hay UBTƯ MTTQVN mà lại là VCCI phối hợp cùng… tập đoàn VinGroup.

Thứ ba, câu chuyện đã được đảo ngược so với một cuộc vận động lớn được nhấn nút cách đây 9 năm.

VinFast và câu chuyện niềm tin - Ảnh 2.

Năm 2009, UBTƯ MTTQVN và Bộ Công Thương đã phát động cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đây là một cuộc vận động thuần túy về tâm lý để người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn dùng hàng hóa của Việt Nam, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Sau đó, một cuộc điều tra xã hội đã được tổ chức. Kết quả là, có hơn 80% số người được hỏi trả lời họ ủng hộ phong trào này; khoảng 63% (nếu tôi nhớ không nhầm) số người được hỏi khẳng định họ sẽ ưu tiên hàng Việt Nam khi mua sắm.

Sau đó nữa, chừng vài năm, một cuộc điều tra tương tự lại được thực hiện. Kết quả thật buồn, các con số đều giảm đi quá nửa. Trạng thái tâm lý đã nhanh chóng chuyển từ kỳ vọng sang thất vọng.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, tỏ ra sầu lòng: Kết quả điều tra xã hội đã cho thấy một sự thật đáng buồn là người tiêu dùng đã và đang mất niềm tin vào hàng hóa Việt Nam.

Chúng ta kêu gọi ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng đổi lại, nhiều doanh nghiệp lại lợi dụng điều đó để kiếm lợi bằng những thứ hàng hóa kém chất lượng, thậm chí bằng hàng giả, hàng nhái. Chỉ cần lên mạng hỏi anh "Gu Gồ" bằng 2 cụm từ "hàng giả", "hàng nhái", trong vòng chưa đầy 1 giây sẽ ra hơn 6 triệu kết quả.

Thế là, bằng suy nghĩ thiển cận và thói kích kỷ, chúng ta đang biến niềm tin và sự ủng hộ của cộng đồng thành những nguồn thu bẩn thỉu, thậm chí là ác độc. Và lớn hơn, chúng ta đang tự cắt đứt con đường phát triển của chính mình, cho dù khi đăng đàn, khối vị vẫn đem câu chuyện "Kỳ tích sông Hán" ra làm bài học.

Cuộc vận động ấy, theo thiển nghĩ của tôi, là chúng ta đã xuất phát từ ngọn. Vậy cái gốc của vấn đề là gì? Là bản thân hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo được chất lượng. Sẽ không có sự ưu tiên nào là vô biên khi so sánh chất lượng hàng hóa quá chênh lệch. Tính ưu tiên chỉ có giá trị với một khoảng cách nhỏ đủ để người tiêu dùng đánh đổi.

Đáng mừng là vài năm gần đây, những thương hiệu nội địa như Vinamilk, TH True Milk hay Viettel… đang trở thành "lá cờ khởi nghĩa" cho công cuộc đứng lên của hàng hóa Việt Nam. Những thương hiệu này tự bản thân đã khẳng định được cái gốc vấn đề của một nền kinh tế hàng hóa là chất lượng và mẫu mã chứ không phải là kêu gọi hãy mua đi vì đây là hàng Việt, đừng làm giàu cho người ngoài.

Xưa nay, bản thân tôi hay dị ứng với những cái gọi là phong trào. Nhưng với phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam", tôi lại thấy tin tưởng. Tin tưởng ngay ở khẩu hiệu. Điều này cho thấy rõ rằng, bản thân các doanh nghiệp đã tự nhận ra rằng hàng hóa phải có chất lượng mới mong cạnh tranh.

VinFast và câu chuyện niềm tin - Ảnh 4.

Niềm tin, trước hết và có lẽ, chủ yếu được bấu víu vào việc có kẻ nhận trách nhiệm đứng mũi chịu sào. Với phong trào này, VinGroup là người dũng cảm. Tôi nói là sự dũng cảm, bởi lẽ, khi nhận trách nhiệm "phất cờ", VinGroup phải luôn đảm bảo được rằng những hàng hóa của mình có chất lượng cao, cạnh tranh được với đồ ngoại và quan trọng nhất, là không phản bội lòng tin của người tiêu dùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố phát động phong trào và ngay sau đó, người đứng đầu Chính phủ "yêu cầu" VinGroup phải đảm bảo chất lượng hàng hóa ít nhất là được như công bố, cụ thể ở đây là các loại xe mang thương hiệu VinFast.

"Yêu cầu" của Thủ tướng chẳng khác nào một trọng trách được đặt lên vai người khổng lồ VinGroup dũng cảm kia.

Và xem ra, xe VinFast không đảm bảo chất lượng không được.

Và khi (hay là nếu) những chiếc xe VinFast chứng minh được chất lượng sau khi bán ra thị trường thì một kỳ tích của ngành công nghiệp ô tô vốn bị cho là thất bại suốt hơn 20 năm nay sẽ trở thành hiện thực. Khi ấy, chẳng cần kêu gọi, hàng Việt Nam sẽ luôn được tin dùng.

Khi cái gốc của vấn đề đã được nhìn nhận một cách xác đáng, tôi hoàn toàn hy vọng và đặt niềm tin vào một phong trào mới mà ở đó, những chiếc xe VinFast kia sẽ là xe dẫn đoàn đưa hàng Việt Nam bon bon trên xa lộ để lao nhanh vào thị trường toàn cầu.