Nói đến Nhật Bản là mọi người thường nghĩ ngay tới một đất nước nổi tiếng khắp thế giới về nghề thủ công truyền thống. Tại đất nước mặt trời mọc, những nghệ nhân thủ công có một tên gọi chung, đó là Takumi.

Bên cạnh đó, Nhật Bản còn là cái nôi của hầu hết những công nghệ hiện đại. Giờ đây, kĩ thuật thủ công truyền thống vốn có và những công nghệ hiện đại ngày càng xích lại gần nhau, hình thành nên một thể thống nhất đồng thời tạo ra một trong những nét đặc trưng quan trọng của Nhật Bản. 

Trong nhiều ngành sản xuất tại Nhật Bản, điển hình như ôtô, cũng có sự kết hợp độc đáo ấy. Cùng tìm hiểu về những nghệ nhân của Nhật Bản với nghề truyền thống và ngành công nghiệp ôtô.

Takumi với nghề truyền thống

Theo lối suy nghĩ hiện đại, con người đang dần tách ra khỏi tự nhiên. Con người coi tự nhiên chỉ là nguồn tài nguyên để đấu tranh và khai thác. Tuy nhiên, đối với một Takumi, công việc mang đến những giao cảm đặc biệt với sự sống trong tự nhiên. 

Các Takumi không có khái niệm “con người đối chọi với tự nhiên”. Thay vào đó, họ quan niệm giữa con người và tự nhiên có một mối quan hệ thân thiện, đồng cảm và hòa đồng với nhau.

Takumi - Những "nghệ nhân" trong ngành công nghiệp ôtô 1

Một nghệ nhân rèn sẽ nói "sắt là một vật thể sống”. Nghệ nhân gốm sẽ khẳng định "đất là một vật thể sống". Trong khi đó, nghệ nhân sơn mài cũng coi “tranh sơn mài là một vật thể sống”. Vì vậy, có người nói những nghệ nhân thủ công có khả năng nghe được tiếng nói của tự nhiên. 

Một nghệ nhân chế tác mộc có thể biết rõ về quá trình lớn lên và phát triển của cây thông qua việc chạm vào nó. Ngoài ra, người nghệ nhân cũng biết cây nào có thể chặt hoặc không thông qua việc quan sát cụm cây xung quanh. Đó là khả năng có được nhờ vào kinh nghiệm và kiến thức về cây cối do đời trước truyền lại.

Takumi trong thời đại công nghiệp

Trong thời đại mới, ngoài những nghệ nhân nghề truyền thống, còn có cả Takumi của các ngành sản xuất công nghiệp như điện tử và xe hơi. Tuy nhiên, số lượng Takumi trong những ngành này ít đến nỗi chính phủ Nhật Bản đã lập nên danh hiệu "Supaa Ginosha", nghĩa là “siêu kỹ thuật viên”, để vinh danh những người có kỹ năng vô cùng hiếm có và không thể thay thế. 

Khả năng quan sát, đánh giá và quyết định của họ vô cùng chính xác. Ví dụ như Takayuki Kosuga, một Takumi với 31 năm kinh nghiệm làm việc tại tập đoàn Toshiba. Công việc của ông là tiện các chi tiết lắp ráp dụng cụ y tế và vệ tinh. Ông làm việc với độ chính xác lên đến một phần nghìn milimet, tức là cao gấp 10 lần một chiếc máy chính xác làm cùng công việc.

Takumi - Những "nghệ nhân" trong ngành công nghiệp ôtô 2

Một ví dụ khác chính là 4 Takumi tại nhà máy lắp ráp động cơ của Nissan tại Yokohama, bao gồm Kurosawa, Tsunemi Ooyama, Izumi Shioya và Nobumitsu Gozu. Công việc của họ đòi hỏi phải có kinh nghiệm, sự tập trung và độ chính xác rất cao. Ngoài ra, còn vô số Takumi khác đang làm việc tại các công ty lớn của Nhật Bản như Toyota, Mitsubishi và Ricoh.

Thực trạng

Hầu hết các Takumi hiện nay đều khá lớn tuổi. Do đó, chính phủ Nhật quan ngại các Takumi hay những kỹ năng của họ sẽ biến mất chỉ trong vòng 10 năm tới.

Thế hệ trẻ Nhật Bản hiện nay không muốn lao vào những công việc mà các Takumi đang gánh vác. Họ cho rằng đây là những công việc khó khăn, lấm lem, nguy hiểm và không đáng để đánh đổi dù đồng lương có cao đi chăng nữa. Không chỉ giới trẻ mà cả các bậc phụ huynh cũng không muốn cho con cái của mình làm việc trong điều kiện đó.

Vì vậy, mục đích của chính phủ Nhật khi lập ra danh hiệu “Supaa Ginisha” không chỉ là vinh danh số ít các Takumi đang làm việc trong các ngành công nghiệp trọng điểm mà còn khuyến khích họ truyền lại kinh nghiệm và kỹ năng của mình cho giới trẻ. Nói cách khác, chính phủ Nhật Bản muốn giữ gìn và duy trì những giá trị truyền thống vốn có từ lâu đời trong các ngành công nghiệp hiện đại.