Bộ Y tế và Bộ GTVT vừa ban hành thông tư liên tịch số 24/2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe sau 9 tháng lấy ý kiến. Thông tư có hiệu lực từ 10/10 tới.

Dự thảo gồm 5 chương, 17 điều, quy định chi tiết sức khỏe của người lái xe ở 3 nhóm: Hạng A1 (xe mô tô từ 50-175 phân khối; Hạng B1 (xe ô tô dưới 9 chỗ, xe tải có trọng tải dưới 3,5 tấn) và Hạng A2, B2 trở lên.

Theo đó, thông tư đã bỏ hẳn quy định về tiêu chuẩn cân nặng, chiều cao, thể lực, vòng ngực... đối với người lái xe - quy định từng gây tranh cãi trong dư luận nhiều năm trước.

Thay vào đó khi khám sức khỏe, lái xe phải trải qua 9 chuyên khoa gồm: tâm thần, thần kinh, mắt, tai-mũi-họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết và sử dụng thuốc, các chất hướng thần, chất có cồn, ma túy.

Cụ thể, thông tư quy định những người có thị lực nhỏ hơn 4/10 không được lái xe hàng A1; thị lực dưới 5/10 không được lái ô tô hạng B1, tật khúc xạ lớn hơn 5 diop, lớn hơn 8 diop hoặc mắc bệnh tiểu đường không được lái xe các hạng từ A2, B2 trở lên.

Ngoài ra thông tư quy định những người rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản đỏ, vàng, xanh lá cây không được lái bất cứ loại xe nào. Trường hợp liệt vận động một chi trở lên, gù, vẹo cột sống hoặc sử dụng các chất ma túy...cũng không đủ điều kiện.

Thông tư liên tịch nói trên được xây dựng trong gần 2 năm. Theo Bộ Y tế, việc xây dựng và ban hành các tiêu chí sức khỏe với người lái xe là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tác động đến hầu hết thành phần dân cư. Thông tư ra đời nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lái xe, đặc biệt siết chặt quản lý sức khỏe lái xe thương mại, lái xe đường dài nhằm hạn chế các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra.

Để ngăn chặn tình trạng cấp giấy chứng nhận sức khỏe "khống", Bộ Y tế cho biết sẽ đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc và sẽ yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Theo T.Hạnh - Vietnamnet